.

Iran vẫn chìm trong bất ổn

.

Iran lại bắt đầu phiên tòa tập thể thứ ba vào ngày 16-8, xét xử những người bị cáo buộc gây ra bất ổn sau cuộc bầu cử nhiều tranh cãi vào hồi tháng 6. Cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất ở đất nước này kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 đến nay vẫn chưa có hồi kết, mặc dù ông Mahmoud Ahmadinejad đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ 2 và đưa ra những cam kết cải thiện tình hình hiện tại. 

Iran đã mở tổng cộng 3 phiên tòa xét xử tập thể những người tham gia biểu tình sau bầu cử. (Ảnh: AFP)

AP dẫn nguồn tin từ Fars - hãng thông tấn bán chính thức của Iran - cho biết, 25 bị cáo ra tòa hôm qua bao gồm các nhà hoạt động đối lập và những người ủng hộ phe đối lập, trong đó có một thanh niên người Do Thái. Công tố viên đã mở đầu phiên tòa bằng cáo trạng dành cho 25 bị cáo rằng, họ âm mưu gây bạo động và bất ổn. Trong suốt phiên tòa, các nhà chức trách cũng cho trình chiếu một đoạn phim về việc những người biểu tình tấn công vào một đền thờ, phá hoại ô-tô và các tài sản công cộng.

Yaghoghil Shaolian, người Do Thái 19 tuổi nói rằng, anh không tham gia trong đoàn người biểu tình nhưng đã ném đá vào một chi nhánh ngân hàng ở trung tâm Tehran vào ngày 14-6 và ngay sau đó bị bắt.
 
Luật sư của Shaolian yêu cầu tòa án xét xử công bằng và hợp lý đối với trường hợp của Shaolian. Việc Shaolian bị bắt và phải ra hầu tòa tạo ra sự chỉ trích trong cộng đồng người Do Thái ở Iran. Đây là lần đầu tiên một người Do Thái bị đưa ra xét xử ở Iran kể từ năm 2000, thời điểm có 13 người Do Thái bị cáo buộc là gián điệp cho Israel. Cộng đồng Do Thái  ở Iran có 25.000 người, lớn nhất ở Trung Đông bên ngoài Israel.

Vào đầu tháng này, Iran đã mở 2 phiên tòa xét xử tập thể hơn 100 chính trị gia theo đường lối cải cách và các nhà hoạt động đối lập. Song, các phiên tòa tập thể của Iran đều vấp phải sự chỉ trích từ phía phương Tây và các nhóm nhân quyền. Theo những nhà phân tích, các phiên tòa tập thể là nỗ lực của các nhà chức trách trong việc trừ diệt phe đối lập ôn hòa và kết thúc những cuộc biểu tình từ sau bầu cử.
 
Các ứng viên Tổng thống bị đánh bại Mir Hossein Mousavi và Mehdi Karoubi cho rằng, cuộc bầu cử đã được sắp đặt để bảo đảm chiến thắng cho ông Mahmoud Ahmadinejad. Tuy nhiên, các nhà chức trách bác bỏ cáo buộc và khẳng định đây là cuộc bầu cử lành mạnh nhất ở Iran trong 3 thập niên qua. Iran buộc tội phương Tây, nhất là Mỹ và Anh, đã hậu thuẫn cho sự bất ổn ở quốc gia này.

Trong khi đó, Iran lại còn phải đối mặt với lời buộc tội tra tấn và ngược đãi những người bị bắt giữ sau bầu cử, thậm chí tra tấn họ cho đến chết. Irene Khan, Tổng Thư ký Tổ chức Ân xá quốc tế, ngày 15-8 đã thúc giục nhà lãnh đạo tối cao Ali Khamenei ngay lập tức mở một cuộc điều tra độc lập về vấn đề này và mời các chuyên gia quốc tế tham gia.

Ngày 12-8, ông Ali Larijani, người phát ngôn Quốc hội Iran, nói rằng các cuộc điều tra do Quốc hội tiến hành đã không tìm thấy bằng chứng về việc cưỡng bức hay tra tấn tù nhân, mặc dù nhà lãnh đạo tối cao Khamenei trước đó đã ra lệnh đóng cửa cơ sở giam giữ Kahrizak và tuyên bố trưởng các nhà tù cùng nhân viên sẽ bị sa thải nếu để xảy ra tình trạng ngược đãi tù nhân.

Những bất ổn và hàng loạt thách thức đang đặt ra cho Tổng thống Ahmadinejad trong nhiệm kỳ mới phải giải bài toán rạn  nứt, chia rẽ, bè phái, biểu tình, bạo động… Theo các nhà phân tích, ông Ahmadinejad sẽ phải đặt vấn đề hòa giải dân tộc lên hàng đầu, nhưng sẽ rất khó khăn khi phe đối lập ra sức chống đối.

Bên cạnh đó, một phiên tòa cũng đang thu hút sự quan tâm của dư luận sẽ diễn ra vào ngày 19-8: xét xử 7 tù nhân giáo phái Baha’i bị cáo buộc là gián điệp, trong khi các nguồn tin cho rằng những người này sẽ được phóng thích bởi không có bằng chứng nào chống lại họ.

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.