Theo số liệu do Chính phủ Nhật Bản công bố ngày 17-8, kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 0,9% trong quý 2 năm nay sau 4 quý suy giảm liên tiếp. Tín hiệu trên cho thấy đất nước này đang thoát khỏi tình trạng suy thoái tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ hai và mở ra triển vọng tươi sáng về việc hồi phục nền kinh tế toàn cầu.
Xuất khẩu của Nhật Bản trong quý 2 năm 2009 tăng 6,3%, trong đó có ngành công nghiệp ô-tô, điện tử… (Ảnh: Bloomberg News) |
Nhật Bản rơi vào suy thoái cuối năm 2008 và chịu mức giảm mạnh nhất trong 3 tháng đầu năm nay khi nhu cầu tiêu thụ ô-tô, điện tử và các hàng hóa khác giảm. Cuộc khủng hoảng toàn cầu ảnh hưởng nặng nề tới các thị trường bên ngoài Nhật Bản trong khi xuất khẩu lại là động lực chủ yếu của kinh tế quốc gia vùng Bắc Á này.
Từ tháng 4 đến tháng 6, xuất khẩu của Nhật Bản tăng lên 6,3%, mức gia tăng đầu tiên trong 5 quý qua. Song, các nhà hoạch định chính sách và các nhà kinh tế học vẫn thận trọng về triển vọng của năm đến, bởi xuất khẩu - ngành chủ lực trong tăng trưởng kinh tế ở xứ sở hoa anh đào này mặc dù có gia tăng, nhưng vẫn được đánh giá là tăng chậm. Một cuộc thăm dò do Reuters thực hiện cho thấy, các nhà kinh tế học hy vọng GDP của Nhật Bản sẽ tăng thêm 0,4% từ tháng 7 đến tháng 9 trong quý tiếp theo của năm nay và từ tháng 10 đến tháng 12 sẽ tăng thêm 0,5%.
BBC dẫn nhận định của nhiều nhà phân tích rằng, gói kích thích của Chính phủ là nguyên nhân chính giúp kinh tế Nhật Bản phục hồi trong quý 2. Junko Nishioka, chuyên gia cao cấp của Công ty chứng khoán RBS, Tokyo cho biết: “Tình hình hiện rất tốt. Chi tiêu công tiếp tục tăng và tôi không nghĩ như một số người rằng suy thoái sẽ trở lại”. AFP cho hay, sự hồi phục này là một tin tức tốt lành cho Thủ tướng Taro Aso khi đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của ông đang có nguy cơ thất bại trong cuộc bầu cử vào cuối tháng này.
Hôm nay (18-8), Nhật Bản sẽ chính thức công bố cuộc bầu cử Hạ viện lần thứ 45. Danh sách các ứng cử viên thuộc các đảng phái sẽ được công khai tại 260 điểm bỏ phiếu trên toàn quốc. Theo kết quả thăm dò cử tri, đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ), đảng đối lập lớn nhất từng cam kết sẽ trao thêm tiền vào tay người tiêu dùng, đang có ưu thế đánh bại LDP.
Tuy nhiên, theo AFP, nhiều nhà phân tích vẫn lo ngại về con đường khó khăn ở phía trước khi sự phục hồi chỉ mang tính chất tạm thời dựa vào những nỗ lực kích thích ngắn hạn ở nhiều quốc gia trên khắp thế giới. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vẫn giữ quan điểm thận trọng khi công bố một báo cáo gần đây.
Cơ quan này cho rằng, mặc dù chỉ số tăng trưởng cho thấy nhiều tín hiệu khả quan nhưng tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục ở mức cao cộng với sức mua còn yếu là trở lực không nhỏ với quá trình hồi phục của kinh tế Nhật Bản. AFP dẫn lời nhà kinh tế học Kyohei Morita cho hay, nền kinh tế nước này được kỳ vọng sẽ giữ mức tăng trưởng cho đến hết năm 2009 nhưng vẫn cần sự chống đỡ trong các chính sách của Chính phủ.
Trước đó, Pháp và Đức đã đồng loạt công bố mức tăng trưởng 0,3% trong quý 2, còn ở Hồng Kông, con số này là 3,3%. Kết quả này tiếp tục cổ vũ cho nhận định của các nhà phân tích cho rằng kinh tế thế giới sẽ vượt suy thoái nhanh hơn dự kiến.
PHÚC NGUYÊN