.

Mỹ ráo riết chuẩn bị đối phó tên lửa Triều Tiên

.

Cuối tuần qua, Mỹ đã thử nghiệm thành công tên lửa phòng thủ mới nhất của nước này ở vùng biển Hawaii. Động thái mới này một lần nữa khẳng định quyết tâm đối phó với mọi diễn biến bất ngờ liên quan đến Triều Tiên, bao gồm cả nguy cơ Bình Nhưỡng sẽ phóng tên lửa tầm xa hướng tới vùng Hawaii của Mỹ.

Ảnh minh họa hệ thống phòng thủ tên lửa.

Tổng thống Barack Obama từng phát biểu trong cuộc phỏng vấn trên đài CBS Mỹ rằng, ông muốn bảo đảm với người dân Mỹ, Washington đã chuẩn bị sẵn sàng đối phó với khả năng Triều Tiên tấn công Hawaii. Ông Obama cũng cam kết, Mỹ sẽ không đáp lại bằng hành động giao chiến và khiêu khích. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cũng đã ra lệnh bổ sung các biện pháp bảo vệ cho Hawaii trong trường hợp có một tên lửa được bắn tới vùng biển Thái Bình Dương.

Trong khi đó, Triều Tiên từng khẳng định, Tổng thống Obama và người đồng cấp Hàn Quốc đang tìm cách kích động một cuộc chiến tranh hạt nhân, thông qua việc đưa thiết bị hạt nhân vào Hàn Quốc và vùng lân cận, tiến hành các cuộc tập trận rầm rộ nhằm chuẩn bị cho cơ hội xâm lược Triều Tiên. Triều Tiên đã cáo buộc Tổng thống Obama âm mưu tiến hành một cuộc chiến tranh hạt nhân nhằm vào Bình Nhưỡng khi ông Obama tái xác nhận Mỹ bảo đảm an ninh cho Hàn Quốc.

Hôm 30-7 theo giờ Mỹ, một tên lửa đạn đạo tầm ngắn được phóng từ căn cứ tên lửa trên đảo Kauai và sau đó bị một tên lửa đánh chặn phóng từ tàu khu trục USS Hopper của Mỹ bắn hạ. Cuộc thử nghiệm do Hải quân và cơ quan phòng thủ tên lửa Bộ Quốc phòng tiến hành, đánh dấu lần bắn tên lửa thứ 23 từ tàu được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis.

Với thử nghiệm mới nhất, đây sẽ là lần thử thành công thứ 19, gồm cả lần bắn hạ một vệ tinh tình báo không còn sử dụng của Mỹ vào năm ngoái. Trong cuộc thử nghiệm với tên gọi “Ngôi sao báo thù” này, có hai tàu khác của Hải quân Mỹ cũng tham gia. Theo một thông báo của cơ quan phòng thủ tên lửa, tàu khu trục Hopper đã bắn tên lửa SM-3 Block IA, có thể chặn tên lửa mục tiêu ở độ cao 160km trên Thái Bình Dương.

Trong khi đó, tàu USS O’Kane tham gia cuộc đụng độ mô phỏng và tàu USS Lake Erie phát hiện và theo dõi mục tiêu. Hệ thống vũ khí của tàu Hopper đã định hướng cho tên lửa đánh chặn mục tiêu khoảng hai phút sau khi rời tàu. Tàu Lake Erie sử dụng hệ thống Aegis loại mới khi tập huấn để đánh giá khả năng phối hợp với tên lửa SM-3 Block IB. Dự kiến năm tới, tàu này sẽ dùng hệ thống Aegis để phóng một tên lửa loại mới là SM-3 Block IB, có hệ thống đẩy, tìm kiếm đầu đạn và bộ xử lý tín hiệu được cải tiến.

Song song với việc thử nghiệm tên lửa đánh chặn, Mỹ tiếp tục thực hiện các bước đi nhằm tăng cường hợp tác an ninh với Nga, như một phần nỗ lực của chính quyền Tổng thống Barack Obama trong việc “điều chỉnh lại” mối quan hệ với Moscow.

Cũng trong tuần qua, một nhóm chuyên gia quân sự Mỹ đã tới Moscow tham gia vòng đàm phán đầu tiên về một trung tâm cảnh báo sớm. Theo đó, trung tâm này sẽ đánh giá mối đe dọa của tên lửa đạn đạo, từ phía CHDCND Triều Tiên hoặc Iran.

Giới chức Nga và Mỹ dự kiến sẽ tổ chức hội đàm vào tháng 10 tới để đưa ra căn cứ cho các chương trình quân sự lớn trong năm tới. Alexander Vershbow, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh quốc tế, phát biểu với các thành viên Ủy ban Quân bị tại Hạ viện Mỹ: “Hy vọng rằng, thông qua đánh giá đe dọa chung này, chúng ta có thể loại bỏ những nhận thức sai của Nga về kế hoạch của Mỹ trong việc triển khai các yếu tố phòng thủ tên lửa tại châu Âu”.

Chính quyền Mỹ đã rất bất ngờ trước việc Bình Nhưỡng thử tên lửa Taepodong-2 hôm 4-7 vào đúng ngày độc lập của Mỹ, nhưng họ cũng “thở phào nhẹ nhõm” khi quả tên lửa này đã bị hỏng và rơi xuống biển Nhật Bản sau khi được phóng thử khoảng 35 giây. Bởi cho đến thời điểm lúc đó, Lầu Năm Góc vẫn chưa thể trả lời liệu họ có bắn hạ được bất cứ tên lửa tầm xa nào của CHDCND Triều Tiên hay không.

Năm 1998, Bình Nhưỡng bắn thử Taepodong-1, nhưng Mỹ chưa có khả năng đánh chặn tên lửa tầm xa của CHDCND Triều Tiên. Sau đó, Mỹ đã chi thêm hàng chục tỷ USD vào hệ thống phòng thủ tên lửa và tuyên bố có thể đánh chặn một số tên lửa trong trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, nhiều người vẫn nghi ngờ về khả năng đánh chặn tên lửa này của Mỹ.
 
Vì vậy, việc thử nghiệm thành công tên lửa phòng thủ mới nhất của nước này ở vùng biển Hawaii cuối tuần qua dường như trả lời cho câu hỏi, liệu hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ có khả năng đánh chặn tên lửa của Triều Tiên hay không.

BĂNG CHÂU

;
.
.
.
.
.