.

Nhật Bản: Đảng Dân chủ đối lập giành thắng lợi lịch sử

.

(ĐNĐT) - Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso đã tuyên bố rời bỏ vị trí người đứng đầu của đảng Dân chủ tự do (LDP) đã lãnh đạo đất nước này trong nhiều thập kỷ, sau thất bại nặng nề tại cuộc bầu cử Hạ viện hôm qua (30-8).

Lãnh đạo đảng đối lập DPJ Yukio Hatoyama với bông hồng cho chiến thắng lịch sử.   Ảnh: AFP

Theo hãng tin CNN, cử tri Nhật Bản đã chán ngấy với sự lãnh đạo đảng cầm quyền sau nhiều thập kỷ và tạo cơ hội cho chiến thắng vang dội của đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) đối lập trong cuộc bầu cử hôm qua, theo kết quả thăm dò cử tri. Lãnh đạo đảng đối lập, ông Yukio Hatoyama đã ca ngợi chiến thắng này là "một cuộc cách mạng", trong khi Thủ tướng Taro Aso thừa nhận trách nhiệm cho thất bại này và cho biết sẽ từ chức lãnh đạo đảng LDP.

Đài truyền hình Nhật Bản NHK dự đoán DPJ sẽ đành được hơn 300 ghế tại hạ viện 480 ghế, kết thúc 50 năm gần như bị áp đảo hoàn toàn bởi đảng LDP. Nếu đảng DPJ thật sự chiếm đa số tại Hạ viện thì đây sẽ là lần đầu tiên họ lãnh đạo đất nước. Ông Yukio Hatoyama đã phát biểu rất thận trọng khi có những lời nhận xét đầu tiên trước công chúng từ khi bắt đầu bỏ phiếu: "Tôi hy vọng chiến thắng này sẽ dành cho người dân Nhật Bản".

Tại Washington, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Barack Obama mong chờ được "hợp tác chặt chẽ" với Thủ tướng mới của Nhật Bản. Nhà Trắng gọi cuộc bầu cử là một sự kiện "lịch sử" và nhấn mạnh: "Chúng tôi tự tin rằng liên minh bền vững Mỹ-Nhật và sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước chúng ta sẽ tiếp tục phát triển".

Tuy nhiên, ông Hatoyama đã ám chỉ rằng ông muốn Nhật Bản sẽ không đi chung đường trong những chính sách ngoại giao của Mỹ và muốn nước này sẽ ít phụ thuộc hơn.

Ông Hatoyama, người đưa ra thông điệp thay đổi theo phong cách Obama, tuyên bố sẽ tăng mức lương tối thiểu, không khuyến khích việc cho thuê thông qua các cơ sở hoặc dựa trên các hợp đồng tạm thời, và hứa hẹn sẽ đẩy mạnh an sinh xã hội và cải cách bộ máy hành chính. Đảng DPJ cho biết sẽ chuyển mối quan tâm của chính phủ từ việc hỗ trợ các tập đoàn sang giúp đỡ người tiêu dùng và công nhân.

Cử tri tại các điểm bỏ phiếu cho biết họ muốn một sự thay đổi và muốn đem lại cho những người lãnh đạo mới một cơ hội, ngay cả khi họ không chắc là những chính sách mới nào sẽ thay thế những chính sách đã duy trì nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hơn một thế hệ qua. Mặc dù chiến thắng của đảng đối lập mang một ý nghĩa quan trọng và to lớn về mặt chính trị, vẫn còn quá sớm để nói về những tác động thực tiễn mà nó mang lại.

N.L (Theo BBC, CNN)

;
.
.
.
.
.