.

Nhật sẽ độc lập hơn với Mỹ?

.

Cuối tuần này, người dân Nhật Bản sẽ bước vào cuộc Tổng tuyển cử quan trọng quyết định tương lai đất nước. Cuộc bầu cử Hạ viện trước thời hạn (diễn ra ngày 30-8 tới) dự báo sẽ đặt dấu chấm hết cho chuỗi cầm quyền hơn một nửa thế kỷ của Đảng Dân chủ Tự do (LDP).

Lãnh đạo DPJ Yukio Hatoyama tuyên bố, nếu DPJ thắng cử, Nhật sẽ xem xét lại vai trò của lực lượng Mỹ tại nước này.

Theo giới phân tích, dù Đảng LDP có thất bại trước Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) trong kỳ bầu cử tới thì cũng chẳng nên hy vọng vào một sự thay đổi căn bản nào trong cuộc khủng hoảng hiện nay tại quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Tuy nhiên, cũng không ít người cho rằng, sẽ có một sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại. Đó là Nhật Bản sẽ không còn “dựa dẫm” vào Mỹ nữa, nếu DPJ nắm quyền.

DPJ từng ngụ ý rằng, họ sẽ tìm cách thay đổi để Nhật độc lập hơn với Mỹ trong vấn đề ngoại giao và quân sự. Lãnh đạo DPJ Yukio Hatoyama tuyên bố, nếu DPJ thắng cử, Nhật sẽ xem xét lại vai trò của lực lượng Mỹ tại nước này. Michael Auslin, Viện Doanh nghiệp Mỹ nhận xét: Nhật sẽ độc lập hơn nhiều, sẽ không dựa dẫm Mỹ. Chắc chắn sẽ có một số liên minh mới và đối tác mới, có thể xích lại gần Trung Quốc và Liên Hợp Quốc.
 
Lãnh đạo DPJ Yukio Hatoyama tỏ ý sẵn sàng có thái độ hòa giải hơn về quá khứ thời chiến của Nhật và sẽ cải thiện quan hệ với các nước láng giềng ở châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, đối tác tin cậy lớn nhất của Nhật cuối cùng vẫn là Mỹ. Các nhà phân tích tại Washington không dám chắc tín hiệu đó có nghĩa chính xác là gì. Nhưng quân Nhật từng chiếm Trân Châu cảng và những trung đội thời Thế chiến II rõ ràng đã đánh dấu một chương đen tối trong quan hệ giữa Mỹ và Nhật.

Trong thời kỳ hậu chiến, Mỹ đã thiết lập một mối quan hệ chặt chẽ với đảng thống trị chính trường Nhật trong suốt hơn 50 năm- Đảng Dân chủ Tự do (LDP). Hiện Đảng DPJ muốn thúc đẩy đàm phán theo hướng tự do thương mại với Mỹ, nhưng thỏa thuận gần đây vẫn chưa được Quốc hội Mỹ đồng ý. Do sự phức tạp trong nền dân chủ của cả Mỹ và Nhật, vẫn còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ về việc hai nước làm thế nào để kiểm soát liên minh. Theo Michael Auslin, thời kỳ mới không chắc chắn là  DPJ sẽ lãnh đạo như thế nào. Họ là ẩn số, họ chưa từng nắm quyền, cũng chưa từng bổ nhiệm một nội các, họ chưa bao giờ phải làm việc với bộ máy quan liêu. Họ chưa từng làm việc với một đảng đối lập.

Bà Mindy Kotler thuộc tổ chức Quan điểm về các chính sách châu Á cho biết, các vấn đề lịch sử là rất quan trọng nếu Nhật muốn giữ vai trò lớn hơn trong khu vực. Họ không thể có ảnh hưởng về kinh tế và chính trị lớn hơn trong vùng, nếu các vấn đề đó không được giải quyết một cách khôn khéo. Bà Kotler cũng cho rằng, mối quan hệ kinh tế và quân sự giữa Nhật và Mỹ vẫn rất chặt chẽ. Hai nước không thân thiết hoàn toàn nhưng thực tế là Mỹ có lá chắn hạt nhân để bảo vệ Nhật. Mỹ có mặt ở Nhật để giúp nước này và đó cũng chính là thị trường của Mỹ.

Kể từ sau sự ra đi của Thủ tướng Junichiro Koizumi vào năm 2006, Nhật Bản đã rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị không có lối thoát. Nhật Bản không còn biết đến sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc như trước. Vốn là nước có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Nhật Bản hiện đang lo lắng trước sự lớn mạnh ở một số cường quốc, đặc biệt là sự lớn mạnh của Trung Quốc. Do vậy, kinh tế vẫn là vấn đề đang được cử tri nước này quan tâm.

Trước thềm tranh cử, Chủ tịch LDP đồng thời là Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso cho biết, đảng của ông có khả năng hoàn thành trách nhiệm thực thi cam kết tranh cử của mình và sẽ đưa ra ưu tiên cho các biện pháp nhằm phục hồi nền kinh tế Nhật Bản. Ngược lại, Chủ tịch DPJ Yukio Hatoyama cho biết, nền chính trị định hướng kiểu quan chức hiện nay đã chi tiêu hoang phí tiền nộp thuế của người dân, ông cam kết sẽ nỗ lực nhằm chấm dứt tình trạng này và phối hợp cùng các đảng đối lập nhỏ khác cũng như người dân Nhật Bản để thực thi chính sách của mình.

Tuy nhiên, viễn cảnh thay đổi đảng cầm quyền có thể làm cho người dân vỡ mộng bởi, Đảng DPJ chưa một lần lãnh đạo đất nước và vốn chỉ biết đến bởi những lời chỉ trích hành động của các Thủ tướng thuộc Đảng LDP. Đảng này cũng không có đề xuất nào giúp đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế hiện nay. Và liệu Nhật Bản sẽ không còn “dựa dẫm” vào Mỹ khi mà  hiện nay Nhật không chỉ là một đối tác thương mại hàng đầu mà còn là chủ nợ quan trọng của Mỹ.

ĐOÀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.