.

Tổng thống Ahmadinejad sẵn sàng cho nhiệm kỳ mới

.

Ngày mai (5-8), ông Mahmoud Ahmadinejad sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Iran nhiệm kỳ hai, với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của lãnh đạo tối cao - Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei, nhưng vẫn vấp phải sự phản đối gay gắt từ phía phe đối lập - những người cáo buộc cuộc bầu cử hôm 12-6 vừa qua là gian lận. 

Ông Mahmoud Ahmadinejad sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 5-8. (Ảnh: AFP)

Hãng tin AP cho biết, buổi lễ nhậm chức của ông Ahmadinejad sẽ được tổ chức tại Quốc hội Iran. Điều đáng nói là ngày 3-8, ông Ahmadinejad đã giành thêm một chiến thắng ngoạn mục nữa khi lãnh đạo tối cao Khamenei chính thức xác nhận ông làm Tổng thống cho nhiệm kỳ mới thêm 4 năm nữa, bất chấp khủng hoảng chính trị đang gia tăng ở đất nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Theo Hiến pháp Iran, Tổng thống sắp nhậm chức phải nhận được sự phê chuẩn của lãnh đạo tối cao trước khi tuyên thệ và bắt tay vào công việc mới. Sự phê chuẩn của ông Khamenei là bước đầu tiên cho tiến trình này. Theo Reuters, ông Khamenei đã xác nhận kết quả của cuộc bầu cử hôm 12-6, đồng thời yêu cầu chấm dứt các cuộc biểu tình trong suốt thời gian qua làm dấy lên làn sóng bạo động, khiến ít nhất 30 người thiệt mạng và hàng nghìn người biểu tình bị bắt, trong đó có các nhân vật cải cách nổi bật và các nhà báo.

Song, AP dẫn nguồn tin từ Đài Truyền hình quốc gia Al-Alam của Iran cho hay, các lãnh đạo đối lập đều vắng mặt trong buổi lễ phê chuẩn bởi họ đã tuyên bố tẩy chay sự kiện này - dấu hiệu cho thấy căng thẳng vẫn tiếp tục leo thang giữa các nhóm phe phái chính trị đối lập và cũng đặt ra những khó khăn cùng thách thức cho tân Tổng thống trong nhiệm kỳ mới. Những người không tham dự buổi lễ có các ứng viên Tổng thống bị thất bại trong cuộc bầu cử vừa qua: ông Mir Hossein Mousavi và Mehdi Karroubi, giáo sĩ Akbar Hashemi Rafsanjani và cựu Tổng thống Mohammad Khatami.

Theo BBC, thách thức thật sự đối với Tổng thống Ahmadinejad sau khi tuyên thệ nhậm chức sẽ là việc tạo ra một Chính phủ đáng tin cậy và có thể được Quốc hội phê chuẩn. Ông Ahmadinejad sẽ có 2 tuần để đưa ra danh sách nội các và đệ trình lên Quốc hội. Trước đó, ngày 2-8, ông Ali Akbar Javanfekr, cố vấn báo chí của ông Ahmadinejad, đã từ chức nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn để nhà lãnh đạo này bổ nhiệm một nội các mới.

Các ứng viên Tổng thống bị thất bại Mousavi và Karoubi cho rằng, Chính phủ sắp tới là bất hợp pháp. Song, các quan chức Iran bác bỏ sự gian lận trong bầu cử, vốn đã mang lại cho ông Ahmadinejad chiến thắng với 63% phiếu ủng hộ trong số 40 triệu phiếu bầu, còn ông Mousavi chỉ giành được 34%. Cuộc bầu cử đã tạo ra hố sâu khủng hoảng chính trị ở Iran và khoảng cách giữa giới giáo sĩ.

Một số giáo sĩ cấp cao đứng về phía phe đối lập, chỉ trích Tổng thống Ahmadinejad và những biện pháp mà Chính phủ thực hiện để trấn áp những người biểu tình. Ứng viên - cựu Thủ tướng Mousavi cho rằng, 100 bị cáo theo phe cải cách ra hầu tòa ngày 1 và 2-8 với cáo buộc âm mưu lật đổ Chính phủ đã bị tra tấn theo kiểu “Trung cổ” để thú tội. Cựu Tổng thống Khatami cũng chỉ trích các công tố viên có được những lời thú tội một cách bất hợp pháp. Các bị cáo này đều bị bắt sau cuộc bầu cử. Một số người bị cáo buộc phá hoại và nổi loạn, một số bị cáo buộc nặng hơn là âm mưu lật đổ.

Báo New York Times cho hay, mặc dù ông Mousavi và các lãnh đạo đối lập khác không bị bắt nhưng Hãng thông tấn IRNA dẫn lời các nghị sĩ theo đường lối cứng rắn khẳng định: động thái này sẽ là bước tiếp theo.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.