.
Hội nghị G-20

Các nước mới nổi tìm được tiếng nói lớn hơn

.

Trong tuần qua, Hội nghị G-20 đã khép lại với “sự tự tin và đoàn kết” sau 2 ngày thảo luận của 20 nền kinh tế mạnh nhất thế giới. Đây cũng là nhận định của nhà lãnh đạo nước chủ nhà, Tổng thống Mỹ Obama, sau khi các nhà lãnh đạo thế giới nhất trí đưa ra các cam kết chung nhằm chỉnh sửa các khiếm khuyết của hệ thống kinh tế toàn cầu, với hy vọng sẽ ngăn ngừa được khủng hoảng tài chính trong tương lai.

Các nhà lãnh đạo G-20 đồng ý mở rộng vị thế của G-20 thành một tổ chức hàng đầu trong giải quyết các vấn đề kinh tế quốc tế trong tương lai.

Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định, các hành động được thực hiện đến lúc này đã đưa nền kinh tế toàn cầu trở lại từ bờ vực thẳm. Các đại biểu nhất trí sẽ tiếp tục các kế hoạch giải cứu kinh tế, trong đó có chính sách về chi tiêu của chính phủ và mức lãi suất thấp, vốn đang tỏ ra rất hiệu quả ở nhiều nước.

Trong cuộc họp báo tổng kết hội nghị, ông Obama nhấn mạnh: “Các chương trình kích thích kinh tế phối hợp của chúng ta đóng một vai trò không thể thiếu trong ngăn chặn tai họa. Giờ đây, chúng ta phải bảo đảm rằng khi tăng trưởng trở lại, việc làm cũng phục hồi. Đó là lý do chúng ta sẽ tiếp tục các nỗ lực kích thích kinh tế cho đến khi dân chúng trở lại làm việc và dần rút bớt các nỗ lực đó khi hồi phục bền vững”.

Theo các nhà phân tích, mặc dầu có nhiều tuyên bố và hành động chưa chi tiết và cụ thể, nhưng Hội nghị G-20 lần này là một thành công lớn. Đó là các đại biểu nhất trí rằng, các sai lầm trong quá khứ sẽ không lặp lại nữa. Hệ thống hợp tác kinh tế quốc tế cũ đã kết thúc và bắt đầu một hệ thống mới từ hôm nay. Đặc biệt, việc mở rộng vị thế của G-20 thành một tổ chức hàng đầu trong giải quyết các vấn đề kinh tế quốc tế trong tương lai, thay thế nhóm G-8 đa phần là các quốc gia phương Tây trước đây. G-8 từ nay sẽ chỉ còn là diễn đàn cho các vấn đề về địa-chính trị và an ninh. Thủ tướng Đức Angela Merkel trước khi rời Pittsburgh về Berlin, phát biểu: “Tôi có cảm tưởng chúng ta đang đi trên một con đường thành công”.

Các đại biểu đã cam kết sẽ có sự điều chỉnh tài chính và phối hợp chặt chẽ hơn nữa sau khi G-20 yêu cầu các thành viên phải đưa các chính sách kinh tế của mình ra xem xét kỹ lưỡng để xác định liệu chúng có phù hợp chung với sự tăng trưởng bền vững trên toàn cầu hay không. Các đại biểu cam kết phản đối chủ nghĩa bảo hộ dưới mọi hình thức. Họ cũng hưởng ứng nỗ lực của ông Obama về một cam kết cắt bỏ các khoản trợ cấp của chính phủ dành cho các loại nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, than, khí đốt... liên quan tới tình trạng ấm nóng toàn cầu.

Các đại biểu cũng thông báo một thỏa thuận thay đổi cán cân bỏ phiếu tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nghiêng về các quốc gia mới nổi như Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ. Những nước này cũng sẽ có một tiếng nói lớn hơn tại Ngân hàng Thế giới (WB). Trong 2 năm biến động thị trường tài chính thế giới, vốn khởi phát ở các nước giàu, đã nâng cao vai trò kinh tế của các nền kinh tế tăng trưởng nhanh như Trung Quốc và Ấn Độ. Các cuộc họp của G-20, với sự tham dự của các nền kinh tế này, đã trở thành diễn đàn chính để thế giới bàn về khủng hoảng tài chính.

Có được những thành công tại hội nghị G-20 lần này một phần là do các đại biểu ý thức được rằng, nếu họ không hành động một cách hòa hợp, nguy cơ sẽ là tăng trưởng thấp và ít việc làm trong nhiều năm.

Thành công lớn nhất vẫn là cam kết đưa ra những quy định mới chặt chẽ hơn để ngăn chặn khủng hoảng tài chính toàn cầu tái diễn trong tương lai, và các cường quốc mới nổi sẽ được trao nhiều vai trò quyết định hơn nữa trong quá trình tái thiết và dẫn dắt kinh tế thế giới. Tuy nhiên, hội nghị này vẫn còn một số hạn chế, đó là các đại biểu G-20 không xác định được cách thức thực hiện nhiều cam kết mà họ đưa ra và tiếp tục tranh luận về các chi tiết cụ thể.

GIA HUY

;
.
.
.
.
.