.
Hội nghị G-20

Cơ hội để châu Á nâng cao vị thế

.

Trong các cuộc suy thoái toàn cầu trước đây, Mỹ là nước tiên phong tìm lối thoát, tiếp sau là châu Âu và các nước khác. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, các nước châu Á hồi phục kinh tế nhanh hơn và trở thành chất xúc tác giúp phương Tây dần đứng lên sau cơn khủng hoảng sâu nhất kể từ Thế chiến II.
 

Trước đó, tại London, các Bộ trưởng của nhóm G-20 đã nhất trí chi thêm hàng ngàn tỷ đôla để kích thích tăng trưởng kinh tế và cải tổ các định chế quan trọng để có thể phục vụ quyền lợi các quốc gia đang phát triển tốt hơn.  (Ảnh: Reuters)

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) diễn ra tại Pittsburg, Mỹ vào các ngày 24 và 25-9 được dự báo sẽ là cơ hội để châu Á thể hiện tiếng nói lớn hơn trên trường quốc tế. Cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua dù gì đi nữa, ít nhiều cũng đã làm thay đổi cán cân quyền lực trên bình diện toàn cầu.

“Châu Á vẫn tương đối nhỏ so với thế giới, nhưng nó cho thấy thế giới đang thay đổi ra sao, và sức mạnh kinh tế, dĩ nhiên đã biến thành sức mạnh chính trị”, Simon Johnson, cựu chuyên gia kinh tế cao cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và hiện là chuyên gia tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nhận định. Vậy nên lần này, các nước châu Á có lẽ không còn cơ hội nào tốt hơn để có thể nói chuyện sòng phẳng và có trọng lượng hơn với các cường quốc - vốn đã bị bào mòn cả kinh tế và uy tín không ít trong cuộc khủng hoảng kinh tế của thế kỷ.

Mặc dù cùng chung số phận với các nước lớn khác trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng thực sự châu Á đã bị tổn hại ít hơn và có dấu hiệu hồi phục nhanh chóng hơn các nền kinh tế giàu có phương Tây.
 
Trung Quốc, với tiềm lực đang lên mạnh mẽ cũng như sức mạnh quân sự và ngoại giao gia tăng, được dự đoán là sẽ đóng vai trò rất lớn trong Hội nghị G-20 lần này. Ở thời điểm hiện nay, Trung Quốc đã có vị thế mạnh hơn rất nhiều trên thế giới so với trước khi ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ cách đây một năm. Các nước còn lại trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Indonesia, cũng đến hội nghị lần này với niềm tự tin lớn hơn nhiều những lần họp trước với các cường quốc phương Tây.

Đặc biệt trong hội nghị này, tân Thủ tướng Nhật Bản Hatoyama sẽ tới dự Hội nghị cấp cao G-20 đầu tiên nên cũng có những chuẩn bị kỹ càng nhằm tạo dựng thanh thế quốc tế trước lúc bước ra chính trường quốc tế một cách chính thức. Có lẽ, Nhật Bản sẽ có nhiều đề xuất, sáng kiến và tựu trung lại là nhiều tiếng nói với mong muốn tạo dựng vai trò dẫn dắt cuộc chơi hơn.
 
“Có thể dự đoán trước, họ sẽ đấu tranh giành tiếng nói lớn hơn và giữ vai trò quan trọng hơn trong việc xác định hướng đi của thế giới”, Brad Glosserman, Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu Diễn đàn Thái Bình Dương CSIS, nhận định. Tuy nhiên, điều mà thế giới đang chờ đợi là liệu các nước châu Á có cùng nhau tạo ra được tiếng nói lớn hơn nhân cơ hội này hay không, bởi các nước khu vực này vốn hiếm khi tìm được quan điểm tương đồng mà thường là đấu tranh đơn lẻ vì lợi ích riêng của mình.

Trong khi đó, ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G-20, các nhà lãnh đạo bốn nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới Mỹ, Pháp, Đức và Anh đã trao đổi trước với nhau và gần như đã có những quan điểm chung dự kiến sẽ cùng đưa ra trong lần họp này.

Đại diện “bốn nước BRIC” gồm có Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc có thể lại một lần nữa “hợp sức” đưa ra những tuyên bố riêng khi tham gia hội nghị thượng đỉnh G-20. Bên cạnh đó, châu Á cũng sẽ phải đối phó với sự tấn công từ các nước phương Tây. Như thường lệ, sẽ là những chất vấn về môi trường, khí thải và các cam kết từ châu Á, nhất là Trung Quốc - nước gây khí thải lớn hàng đầu thế giới. Đó có lẽ là một ẩn số thú vị từ châu Á kỳ bí mà thế giới sẽ phải chăm chú hơn khi dõi theo Hội nghị G-20 lần này. 
       
BĂNG CHÂU
(Tổng hợp từ Bloomberg, Newsweeks, Financial Times)

 

;
.
.
.
.
.