.

Kinh tế thế giới sắp thoát khỏi suy thoái

.

Giữa lúc các nền kinh tế lớn trên thế giới đang có dấu hiệu phục hồi sớm hơn dự đoán, thì cuối tuần qua, tại Anh, các Bộ trưởng Tài chính thuộc nhóm G-20 đã họp bàn tìm cách vực dậy nền kinh tế toàn cầu nhanh chóng thoát ra khỏi vũng lầy suy thoái càng sớm càng tốt. Chương trình nghị sự đã tập trung vào 3 vấn đề lớn, gồm những biện pháp khôi phục nền kinh tế thế giới; cải tổ hệ thống ngân hàng và thành lập một trật tự tài chính toàn cầu mới.  

Các Bộ trưởng Tài chính nhóm G-20 tán thành hạn chế tiền thưởng cho nhân viên ngân hàng và dành cho các nền kinh tế mới nổi vai trò lớn hơn trong các tổ chức quốc tế.  (Ảnh: Xinhua)

Tại hội nghị, đại diện các nước G-20 nhất trí rằng, tình hình kinh tế thế giới hiện nay đã khá hơn nhiều, song vẫn là quá sớm để tuyên bố kết thúc cuộc khủng hoảng kinh tế. Các Bộ trưởng Tài chính kêu gọi các đối tác trong G-20 tận dụng cơ hội hiện nay để thay đổi cơ cấu kinh tế thế giới nhằm loại bỏ những yếu kém mang tính hệ thống, được coi là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới lớn nhất trong gần 80 năm qua. G-20 khẳng định, sẽ cùng nhau tìm cách vực dậy kinh tế toàn cầu. Đây là một cam kết rất được thế giới mong đợi.

Các quan chức kinh tế cao cấp nhất của châu Âu và Mỹ đã cùng nhìn thấy sự chấm dứt của cơn suy thoái thế kỷ khi Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Ben S. Bernanke và Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu Jean-Claude Trichet cùng tán đồng quan điểm rằng, kinh tế thế giới đang nhấc chân ra khỏi vũng lầy suy thoái khủng khiếp.
 
“Những nỗ lực to lớn diễn ra không mệt mỏi ở các nước, với những chính sách nhanh và mạnh mẽ. Triển vọng phục hồi kinh tế và lấy lại tăng trưởng dương đã thể hiện khá rõ”, ông Bernanke nhận định. Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu Jean-Claude Trichet cũng cho biết: “Chỗ này chỗ kia đã xuất hiện những tín hiệu tươi sáng hơn, cho thấy dường như chúng ta đã quay về với cuộc sống thường nhật trước khủng hoảng”.

Minh chứng cụ thể cho những lời lẽ này, đó là doanh số bán nhà đã qua sử dụng tại Mỹ trong tháng 7-2009 vừa qua đã tăng đột biến, lên mức cao nhất trong vòng 2 năm qua. Báo cáo mới này được giới đầu tư đánh giá là tín hiệu khả quan cho thấy, khủng hoảng kinh tế Mỹ bắt nguồn từ nhà đất đã có dấu hiệu kết thúc thực sự.

Nhằm tiếp tục các biện pháp giúp tái thúc đẩy nền kinh tế, trong tuyên bố chung tại hội nghị, các nước G-20 khẳng định sẽ hạn chế tiền thưởng cho nhân viên ngân hàng và dành cho các nền kinh tế mới nổi vai trò lớn hơn trong các tổ chức quốc tế. Theo đó, các ngân hàng sẽ không trao toàn bộ tiền thưởng cho các nhân viên giao dịch thị trường và phải tính tới hiệu quả của các quyết định đầu tư trong thời gian dài.
 
Bộ trưởng Tài chính Anh Alistair Darling cho biết: “Trước tiên, chúng tôi muốn nhiều thông tin và sự minh bạch về mức độ và cơ cấu tiền thưởng dành cho nhân viên giao dịch thị trường, cũng như tác động của tiền thưởng đối với các quyết định chấp nhận rủi ro. Tiếp đó, chúng tôi muốn có các tiêu chuẩn về cơ cấu tiền thưởng ở quy mô quốc tế”.

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo tài chính đã đồng ý đưa ra hạn cuối cùng là tháng 3-2010 để trừng phạt các quốc gia không chấp nhận các nguyên tắc về minh bạch thông tin ngân hàng được quyết định tại Hội nghị Thượng đỉnh ở London tháng 4 vừa qua. Ngoài ra, các Bộ trưởng Tài chính nhóm G-20 cũng cam kết cải tổ Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhằm tạo điều kiện cho các nước đang phát triển có vị trí lớn hơn ở 2 tổ chức này. Dự kiến, các cuộc cải tổ bên trong WB sẽ kết thúc trước mùa xuân năm 2010 và ở IMF là vào tháng 1-2011.

Theo giới chuyên gia kinh tế, cả hai đầu tàu kinh tế thế giới là Mỹ và châu Âu đang từng bước thoát khỏi suy thoái, đồng nghĩa với việc kinh tế thế giới cũng có cơ hội chấm dứt cơn suy thoái thế kỷ trong thời gian tới. Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu Jean-Claude Trichet tỏ ra chưa chắc chắn và hết sức thận trọng với triển vọng kinh tế toàn cầu hiện nay. Ông nói, “những tín hiệu phục hồi hiện có vẫn là chưa đủ để có thể nghĩ về tăng trưởng bền vững và chất lượng.

Còn rất nhiều việc phải làm và các nhà hoạch định chính sách sẽ còn phải nỗ lực rất nhiều”. Quả vậy, dường như thách thức với kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế số 1 thế giới là Mỹ vẫn chưa hết. Mới đây, các thông tin như chỉ số lòng tin người tiêu dùng Mỹ giảm, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng, lượng nhà tịch thu ở Mỹ lại tăng mạnh, doanh số bán lẻ giảm… vẫn đang tạo ra nhiều lo lắng. Có thể thấy, dù kinh tế thế giới có dấu hiệu hồi phục, nhưng để đạt được sự phục hồi toàn diện, các nước phải cần thêm thời gian nữa.

GIA HUY

;
.
.
.
.
.