.

Mỹ chuyển hướng đặt hệ thống phòng thủ tên lửa trên các chiến hạm

.

Ngày 17-9, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẽ từ bỏ hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD) gây tranh cãi ở Đông Âu, thay bằng một hệ thống cơ động hơn nhằm vào các tên lửa tầm ngắn và tầm trung của Iran, chủ yếu dựa trên các hệ thống đánh chặn đặt trên biển

Sơ đồ hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ (Ảnh: AFP)

    Phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Tổng thống Obama cho biết, chính quyền đã điều chỉnh lại kế hoạch trước đây theo hướng linh hoạt hơn và tăng cường khả năng ứng dụng nhanh hơn các công nghệ hiện đại, cho phép hệ thống trở nên hiệu quả hơn trước mối đe dọa bị tấn công tên lửa so với chương trình phòng thủ tên lửa năm 2007.

Ông nói: "So với chương trình phòng thủ tên lửa ở châu Âu năm 2007, cách tiếp cận mới sẽ đảm bảo một hệ thống phòng thủ mạnh hơn và hiệu quả hơn cho Mỹ và các đồng minh của mình".

Ông nêu rõ trọng tâm rõ ràng và nhất quán của Washington là mối đe dọa do chương trình tên lửa đạn đạo của Iran gây ra và đây tiếp tục là trọng tâm và cơ sở của kế hoạch được điều chỉnh.

Bộ Quốc phòng Mỹ công bố NMD tại châu Âu sẽ được đặt trên các chiến hạm của hải quân, bố trí ở các khu vực Nam và Bắc Âu, thay vì đặt trên mặt đất tại Cộng hòa Séc và Ba Lan như trước đây.

Mỹ sẽ bắt đầu xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa theo từng giai đoạn. Giai đoạn I đến năm 2011 sẽ hoàn thành việc lắp đặt các rađa và hệ thống đánh chặn, như các tàu được trang bị hệ thống Aegis và triển khai các tên lửa đánh chặn SM-3 trên tàu thủy. Hệ thống này đã chứng tỏ được hiệu quả trong một vài năm qua, đặc biệt là khi đã chặn thành công một vệ tinh do thám đã không còn tác dụng trên Thái Bình Dương trước khi vệ tinh này quay trở lại khí quyển của Trái đất hồi tháng 2/2008. Giai đoạn II (khoảng năm 2015) sẽ tập trung tới các hệ thống SM-3 đặt trên mặt đất.

Lầu Năm Góc cho biết hệ thống mới sẽ được đặt ở Bắc và Nam Âu với khả năng đối phó với các mối đe dọa trực tiếp hơn từ Iran, sớm hơn gần 7 năm so với kế hoạch thiết lập các hệ thống đánh chặn trên mặt đất đặt tại Ba Lan như trước kia.

Kế hoạch mới của Tổng thống Obama dựa trên các báo cáo tình báo đánh giá lại khả năng vũ khí của Iran cho thấy các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung của nước này đang được sản xuất nhanh hơn dự kiến, còn tiến độ chế tạo tên lửa đạn đạo xuyên lục địa lại chậm hơn rất nhiều so với tính toán ban đầu.

Với việc thay đổi địa điểm đặt hệ thống phòng thủ, kế hoạch mới này có thể sẽ giảm bớt sự quan ngại từ phía Nga, vốn phản đối mạnh mẽ việc xây dựng hệ thống rada gần biên giới nước này.

Trước đây, chính quyền tiền nhiệm G.Bush dự định sẽ đặt các rađa cố định tại Séc và 10 tên lửa đánh chặn tại Ba Lan. Giới chức Mỹ nói rằng hệ thống này sẽ bảo vệ Mỹ và các đồng minh tại châu Âu trước các cuộc tấn công bằng tên lửa từ Trung Đông, đặc biệt tại Iran.

(TTXVN/Vietnam+)

;
.
.
.
.
.