Trong khi Chính phủ tiền nhiệm G.Bush ra sức xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) ở CH Séc và Ba Lan, thì tuần qua, Tổng thống Obama đã làm ngạc nhiên cho cả thế giới, đặc biệt là các nước châu Âu và Nga về quyết định từ bỏ NMD. Động thái này ít nhiều đã gây nên sự phản đối của các đồng minh ở Đông Âu và các nhà hoạch định chiến lược cứng rắn của Mỹ.
Nga từ lâu đã phản đối kịch liệt các kế hoạch lá chắn tên lửa ở châu Âu mà chính quyền của cựu Tổng thống G.Bush theo đuổi, vì kế hoạch này là mối đe dọa đối với an ninh Nga. |
Theo các nhà phân tích, Tổng thống Obama đưa ra quyết định trên là có nhiều nguyên nhân của nó: Thứ nhất là sau khi Tổng thống Obama lên nắm quyền ở Nhà Trắng, nhiều người cho rằng chính sách của Obama vẫn chưa có gì thay đổi, thậm chí là giống với “con đường” của người tiền nhiệm Bush theo đuổi; Thứ hai là kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ở CH Séc và Ba Lan lãng phí và tốn kém so với tiến trình chậm chạp của chương trình tên lửa ở Iran.
Mặc dầu chưa có những kết quả thực tế về lợi ích của việc từ bỏ NMD ở CH Séc và Ba Lan để xây dựng một NMD mới hiện đại và hiệu quả hơn, nhưng điều mà Tổng thống Obama đã làm được là đã có những thay đổi “dũng cảm” trong chính sách của mình. Về đối ngoại, Obama đã có những bước đi tích cực trong việc “cài đặt lại” các mối quan hệ với Nga và chìa bàn tay thân thiện với châu Âu, đồng thời lấy lại hình ảnh của nước Mỹ trên trường quốc tế. Về đối nội, Obama đã thực hiện những cam kết của mình trong cuộc vận động tranh cử năm ngoái và giảm bớt nỗi lo về tính hiệu quả của NMD giữa lúc nền kinh tế Mỹ đang gặp khó khăn.
Như vậy, theo đó, Mỹ sẽ chuyển trọng tâm sang phòng thủ tên lửa tầm trung và tầm ngắn của Iran thay vì phòng thủ tên lửa tầm xa như trước đây. Ông Obama cũng cam kết thay kế hoạch cũ bằng một hệ thống phòng vệ nhanh hơn, mạnh hơn để bảo vệ các đồng minh của Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates khẳng định, hệ thống mới sẽ kết hợp những công nghệ có hiệu quả hơn và phạm vi hoạt động rộng hơn.
Đây rõ ràng là sự thay đổi lớn của Mỹ về vấn đề Iran và quan hệ với Nga. Tổng thống Obama muốn làm dịu căng thẳng với Moscow để tranh thủ Nga trong một loạt vấn đề, từ cuộc chiến mà Mỹ đổ rất nhiều tiền của ở Afghanistan cho đến chiến dịch do Mỹ đứng đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế mới với Iran vì chương trình hạt nhân của nước này.
Đặc phái viên Nga tại NATO Dmitry Rogozin nhìn nhận, “đây là sự nhượng bộ lớn với Nga”, tuy nhiên, ông lại tỏ ý hoài nghi và cảnh báo Nga về kế hoạch tấm chắn tên lửa mới của Mỹ. Đại sứ Nga tại NATO, ông Dmitry Rogozin, đã gọi động thái này là “một bước đột phá” trong quan hệ Mỹ-Nga. “Điều này có nghĩa là chúng tôi đã loại bỏ được một trong những vấn đề nan giải đã cản trở hai nước tiến tới hợp tác thực sự”, ông nói.
Mặc dầu Mỹ không đưa ra một điều kiện nào với Nga trong việc từ bỏ NMD, nhưng Thứ trưởng Quốc phòng Nga Vladimir Popovkin cũng cho biết, Nga sẽ bãi bỏ những biện pháp đối phó mà nước này đã lên kế hoạch đáp lại NMD của Mỹ ở Đông Âu, một trong số này là từ bỏ triển khai các tên lửa Iskander ở khu vực Kaliningrad vì nó không cần thiết nữa. Trong khi, Thủ tướng Nga Vladimir Putin nói rằng quyết định của Tổng thống Mỹ Barack Obama là “đúng và can đảm” thì Tổng thống Nga Dmitry Medvedev gọi đây là một quyết định “tích cực” và “có trách nhiệm”.
Ông Medvedev cũng thừa nhận, hiện nay có “nhiều điều kiện tốt đẹp” cho các cuộc đàm phán Nga - Mỹ về phổ biến tên lửa. Dù chưa có kết quả thực tế tính hiệu quả của việc từ bỏ NMD, nhưng quyết định này đang mở ra một trang sử mới để Chính quyền Obama “cài đặt lại” các mối quan hệ với Nga, một đối thủ thời Chiến tranh lạnh, vốn rất căng thẳng bởi hàng loạt các vấn đề như cuộc chiến giữa Nga-Gruzia và đề xuất kết nạp thêm Gruzia, Ukraine vào khối NATO.
ĐOÀN LƯƠNG