.

Nước Mỹ 8 năm sau vụ khủng bố 11-9

.

Người dân Mỹ sẽ không bao giờ quên được hình ảnh hai chiếc máy bay lao vào tòa tháp đôi ở New York. (Ảnh: moonbattery.com)
Tròn tám năm sau vụ tấn công ngày 11-9-2001, nước Mỹ vẫn trong tình trạng bị đe dọa khủng bố, binh lính Mỹ vẫn căng sức trên các mặt trận ở Afghanistan, nền kinh tế Mỹ vẫn đang trong vòng xoáy của cơn bão khủng hoảng kinh tế

Ngày 11-9 đã được lấy làm Ngày Yêu Nước (Patriot Day). Hình ảnh hai chiếc máy bay lao vào tòa tháp đôi ở New York và sự hoảng loạn sau đó sẽ không bao giờ quên được đối với người dân Mỹ.

Lễ tưởng niệm được tổ chức nhiều nơi trên toàn quốc. Cả nước treo cờ rủ, học sinh đến trường được yêu cầu phải mặc quần áo màu đỏ, trắng và xanh da trời để tưởng niệm gần 3000 nạn nhân xấu số của vụ tấn công.

Tại New York, bảo tàng quốc gia về vụ 11-9 trình chiếu những thước phim, ảnh của các tay máy nghiệp dư ghi lại những gì diễn ra trong ngày này tám năm trước.

An ninh được thắt chặt tại các tòa nhà chính phủ và tại sân bay. Cảnh sát xuất hiện nhiều hơn ở những nơi công cộng. Trang web của Bộ An ninh Nội địa Mỹ vẫn cảnh báo mức độ đe dọa ở màu da cam, tức là mức thứ ba trong hệ thống năm mức báo động.

Thành công lớn nhất mà các lực lượng an ninh và quân đội Mỹ làm được trong tám năm qua là không để xảy ra một vụ tấn công khủng bố nào xảy ra trên đất Mỹ, dù rằng cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ phát động ngay sau sự kiện 11-9 vẫn tiếp tục.

Các lực lượng Taliban, al Qaeda ở Afghanistan và Iraq vẫn là một thách thức lớn với quân đội Mỹ. Các vụ đánh bom vẫn diễn ra hàng ngày. Việc tăng quân cho mặt trận Afghanistan dường như không thể tránh khỏi.

Trong tám năm, nước Mỹ đã chi 908 tỉ USD cho hai cuộc chiến tranh. Con số này vẫn tiếp tục tăng lên và người gánh chịu không ai khác ngoài những người đóng thuế.

Tuy nhiên, với những người dân Mỹ bình thường, mối quan tâm lớn nhất hiện nay không phải là khủng bố mà là khủng hoảng kinh tế. Theo thống kê mới nhất của Bộ Lao động, tỉ lệ thất nghiệp trong tháng 8 đã lên tới 9,7%, mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.

Trong nhiều tháng qua, vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất, ồn ào nhất, tốn nhiều giấy mực nhất của báo chí trên khắp đất nước lại là chuyện cải cách y tế do Tổng thống Obama khởi xướng. Kế hoạch đó có thể tốt cho người nghèo, nhưng nhiều người đặt câu hỏi nước Mỹ lấy đâu tiền để chi tiêu trong khi ngân sách đang thâm hụt khoảng 1000 tỉ USD.

Trong một bài phát biểu trước Quốc hội được truyền hình trực tiếp ngày 9-9 với nghi thức trang trọng khi đọc Thông điệp Liên bang hàng năm, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng kế hoạch cải cách y tế của ông tốn khoảng 900 tỉ USD trong 10 năm, tức là ít hơn cả hai cuộc chiến Iraq và Afghanistan cộng lại.

Cả hai ngày trước đó, các kênh truyền hình lớn đều nói đến chuyện cải cách y tế. Chuyện an ninh hay kỷ niệm ít thấy trên phương tiện truyền thông. Sau tám năm, lần đầu tiên nước Mỹ kỷ niệm ngày 11-9 với một vị tổng thống mới.

Trong khó khăn chồng chất, liệu rằng Barack Obama có đủ sức đưa nước Mỹ thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, chấm dứt chiến tranh, lấy lại vị thế và ảnh hưởng toàn cầu hay không vẫn là câu hỏi lớn của cả nước Mỹ và thế giới.

Trừ người thân của các nạn nhân, những người lính cứu hỏa bị ảnh hưởng sức khỏe, có lẽ tưởng niệm chỉ làm cho người Mỹ nhớ lại một ngày đau thương đã qua. Người ta sẽ chỉ nhớ đến 11-9 khi thấy một chiếc máy bay sà xuống thấp, hoặc là đến lễ tưởng niệm năm sau.

(TTXVN/Vietnam+)

;
.
.
.
.
.