* Honduras ban bố lệnh giới nghiêm
Nhà cầm quyền Honduras đã ban bố lệnh giới nghiêm, sau khi Tổng thống bị lật đổ Manuel Zelaya bất ngờ trở về nước hôm 21-9. Lệnh giới nghiêm được áp đặt từ 16 giờ ngày 21-9 (giờ địa phương, tức 5 giờ sáng 22-9 giờ Việt Nam).
Ông Zelaya vẫy tay với những người ủng hộ từ bên trong Sứ quán Brazil. |
Việc nhà lãnh đạo cánh tả trở về nước đã gây ra một thách thức mới và gay gắt đối với chính phủ lâm thời vốn luôn đe dọa sẽ bỏ tù ông này nếu ông đặt chân lên lãnh thổ Honduras. Trả lời phỏng vấn báo giới, Zelaya tuyên bố ông đang cố gắng thiết lập mối liên hệ với chính phủ lâm thời để bắt đầu thương lượng về một giải pháp cho bế tắc xuất hiện kể từ khi các binh sĩ dùng vũ lực buộc ông ra khỏi Honduras hôm 28-6. “Từ giờ, chúng tôi sẽ tìm kiếm đối thoại”, ông nói qua điện thoại và cho biết một số chi tiết. Cuộc đối thoại do Tổng thống Costa Rica là Oscar Arias làm trung gian đã chưa thu được kết quả nào trong nhiều tuần qua, do chính phủ lâm thời từ chối chấp nhận phục chức cho ông Zelaya.
Ông Zelaya cũng đã kêu gọi những người ủng hộ ông đến thủ đô tham gia cuộc biểu tình hòa bình và thúc giục quân đội không tấn công những người ủng hộ ông. “Đây là thời khắc của sự hòa giải”, ông này nói. Chính phủ lâm thời của Tổng thống Roberto Micheletti, người lên nắm quyền sau khi ông Zelaya bị lật đổ, tuyên bố lệnh giới nghiêm sẽ tiếp tục được kéo dài cho đến 7 giờ sáng 24-9 (giờ địa phương).
Trong một bài phát biểu qua truyền hình, Tổng thống lâm thời Roberto Micheletti yêu cầu Brazil giao lại ông Zelaya để Honduras đưa ông ra tòa, đồng thời tuyên bố Brazil sẽ chịu trách nhiệm nếu xảy ra bạo lực. “Một lời kêu gọi dành cho Chính phủ Brazil: hãy tôn trọng phán quyết của tòa án và giao ông Zelaya cho nhà chức trách Honduras. Cả thế giới đang dõi theo Brazil và Honduras”, ông Micheletti nói.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Celso Amorim hy vọng sự trở về của ông Zelaya sẽ mở ra một giai đoạn mới trong thương lượng và cảnh báo bất kỳ sự đe dọa nào đối với ông Zelaya hay với đại sứ quán Brazil đều vi phạm luật pháp quốc tế. Từ thủ đô Caracas, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã gọi điện chúc mừng ông Zelaya và nêu rõ, đã đến lúc phe đảo chính phải trao lại quyền cho ông Zelaya. Các nhà phân tích nhận định diễn biến ngày 21-9 là “cơn ác mộng” đối với những người lật đổ ông Zelaya. Họ đã làm mọi cách để ngăn ông Zelaya trở về, từ việc cho quân đội bao vây sân bay khiến máy bay chở ông không thể hạ cánh cho đến canh gác ở biên giới Nicaragua…
Chính phủ lâm thời Honduras đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích gay gắt sau vụ lật đổ ông Zelaya, tuy nhiên họ vẫn cương quyết nắm quyền. Chuyến trở về của vị Tổng thống bị lật đổ không chỉ làm “mất mặt” họ mà còn “hứa hẹn” sẽ khiến cuộc khủng hoảng tại Honduras “sục sôi” trở lại. Tổng Thư ký Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) Jose Miguel Insulza, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton... đã kêu gọi bình tĩnh, riêng ông Jose Miguel Insulza nói nhà chức trách Honduras phải chịu trách nhiệm an ninh cho ông Zelaya và đại sứ quán Brazil. Micheletti từng cam kết sẽ rút lui sau cuộc bầu cử Tổng thống dự kiến được tiến hành vào tháng 11 tới. Bộ Ngoại giao Mỹ hồi đầu tháng tuyên bố, Mỹ sẽ không công nhận kết quả bầu cử Tổng thống Honduras trong tình hình hiện nay.
GIA HUY (Tổng hợp)