.

Thế giới đối phó với biến đổi khí hậu

.

Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo sự biến đổi khí hậu là rào cản nghiêm trọng đối với sự tăng trưởng ở các nước nghèo và cần phải được hạn chế.

Khói bốc lên từ các ống khói của một trạm năng lượng than đá tại Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Các cuộc đối thoại diễn ra từ ngày 7 đến 19-12 tại Copenhagen, Đan Mạch, theo Nghị định khung của Liên Hợp Quốc về thay đổi khí hậu (UNFCCC), với sự tham gia của 192 quốc gia, nhằm đề ra một thỏa thuận toàn cầu sau năm 2012. Trong lúc có những quan ngại rằng hội nghị Copenhagen sẽ bế tắc, châu Âu đã đề xuất chi hàng chục tỷ euro viện trợ cho những nước nghèo để chống lại sự ấm nóng toàn cầu.

“Thỏa thuận công bằng” tại Copenhagen

Báo cáo Phát triển Thế giới (WDR) 2010 của WB thúc giục cần nhanh chóng đầu tư nghiên cứu năng lượng sạch và bảo vệ cho các quốc gia nghèo; đồng thời các chính phủ nên có “thỏa thuận công bằng” tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu do LHQ tổ chức ở Copenhagen vào tháng 12 tới. Theo WB, “thỏa thuận công bằng” này cần sự tham gia của các nước công nghiệp hóa - những nước đóng vai trò quan trọng trong việc cắt giảm khí thải.

Đối với các nước đang phát triển, việc chuyển sang thế giới ít carbon phụ thuộc vào hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật từ những nước thu nhập cao. Các nước thu nhập cao cũng cần hành động nhanh chóng để giảm thải carbon và thúc đẩy việc sử dụng năng lượng thay thế, góp phần giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Chủ tịch WB Robert Zoellick cho biết, các quốc gia phải hành động ngay bây giờ, cùng nhau và theo một cách khác trước đây để đối phó với biến đổi khí hậu. Những nước đang phát triển bị ảnh hưởng nhiều hơn từ biến đổi khí hậu, đây là một cuộc khủng hoảng không phải do họ gây ra nhưng lại ít được chuẩn bị nhất để đối phó với nó. Vì vậy, ông Zoellick nhấn mạnh: “Một thỏa thuận công bằng ở Copenhagen là rất quan trọng”.

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh của ít nhất 100 nhà lãnh đạo tại New York (Mỹ) vào tuần tới, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon nói rằng các cuộc đàm phán sẽ bàn thảo xung quanh về thỏa thuận biến đổi khí hậu, đồng thời thúc giục lãnh đạo các chính phủ cần có những động thái mạnh mẽ hơn. Phát biểu với tờ The Guardian, ông Ban Ki-moon cho rằng các nhà lãnh đạo đang nắm trong tay “tương lai của toàn nhân loại”.

Ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP

Các nhóm môi trường đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhận thức về sự biến đổi khí hậu ở Manila, Philippines. (Ảnh: AFP)

 

Trong WDR 2010 vừa được công bố, WB cảnh báo Philippines và các nước đang phát triển khác rằng, họ sẽ mất từ 4% đến 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hằng năm nếu thất bại trong vấn đề biến đổi khí hậu. Philippines và các nước đang phát triển khác chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp nên sẽ bị ảnh hưởng nặng nề từ việc biến đổi khí hậu.

Marianne Fay, chuyên gia kinh tế phụ trách mạng lưới các nước đang phát triển của WB, và các giám đốc của WDR 2010 cho hay, Philippines được khuyến khích đầu tư hơn nữa cho sự phát triển tài nguyên công nghệ sẵn có và ít chịu phụ thuộc hơn vào lượng dầu mỏ nhập khẩu. Hiện tại, đất nước châu Á này thải lượng khí carbon thấp, chỉ khoảng 0,27% so với tổng khí thải của toàn cầu.

Theo Fay, WB sẵn sàng trợ giúp các nước như Philippines trong việc thực hiện các dự án và các khoản vay để chống lại sự biến đổi khí hậu cùng với sự trợ giúp kỹ thuật. Trong khi đó, Bert Hofman, Giám đốc WB tại Philippines nói rằng, các dự án chương trình cho vay của cơ quan này từ năm 2010 đến 2012 cung cấp những giải pháp cho vấn đề liên quan đến khí hậu.

 

Chính phủ Trung Quốc đã phát động một chiến dịch tiết kiệm năng lượng quyết liệt và giờ đã sở hữu nguồn năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới. Nước này đặt mục tiêu từ năm 2005 đến 2010 giảm 20% mức độ tiêu thụ năng lượng, nghĩa là đến năm 2010 sẽ giảm 1,5 tỷ tấn khí CO2 phát thải mỗi năm, gấp 5 lần mức giảm 300 triệu tấn của Liên minh châu Âu theo cam kết trong Nghị định thư Kyoto.

Còn với Nhật Bản, Thủ tướng Yukio Hatoyama từng cam kết chính phủ trung tả của ông sẽ theo đuổi mục tiêu đến năm 2020 cắt giảm lượng khí thải nhà kính 25% (so với mức năm 1990). Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ hai của thế giới và là nước có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ năm. Đất nước này bị chỉ trích đã làm gia tăng nhiệt độ toàn cầu, gây nên hiện tượng đóng băng và sông băng...

Các nhà phân tích cho rằng, việc các quốc gia tìm được sự đồng thuận trong mục tiêu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính là rất khó. Ấn Độ và Trung Quốc, 2 nước đang phát triển nhanh nhất thế giới, đóng vai trò then chốt trong sự thành công ở Copenhagen sắp tới. Nhưng ngay tại cuộc họp mang chủ đề ‘Biến đổi khí hậu và những cơ hội nào cho Ấn Độ trong nền kinh tế xanh” vừa được tổ chức ở New Delhi, Bộ trưởng Bộ Môi trường của nước này, ông Jairam Ramesh Danish cho biết, đất nước ông không đồng ý với những mục tiêu giảm khí thải ràng buộc và theo ông, sẽ không có thảm họa nào cho dù Hội nghị Copenhagen thất bại.

“Giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu đòi hỏi phải chuyển đổi các hệ thống năng lượng theo hướng sử dụng hiệu quả hơn và công nghệ tiêu thụ các-bon thấp hơn. Vì lợi ích của chính mình, các nước đang phát triển cần hành động ngay bây giờ để tránh phải sử dụng hạ tầng kinh tế carbon cao”, ông Justin Lin - Kinh tế gia trưởng kiêm Phó Chủ tịch cao cấp của Ngân hàng Thế giới.


GIA AN

 

 

;
.
.
.
.
.