.

Tiến trình hòa bình Trung Đông vẫn dậm chân tại chỗ

.

Tổng thống Mỹ Obama đã có cuộc gặp với Thủ tướng Israel Netanyahu và Tổng thống Palestine Abbas bên lề Hội nghị Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 64 tại New York, Mỹ để thúc đẩy hơn nữa tiến trình hòa bình Trung Đông.

Kết quả cuộc gặp 3 bên mới chỉ dừng lại là những cái bắt tay mang tính hình ảnh.

Tổng thống Mỹ Obama cho rằng, cả Mỹ, Israel và Palestine đều “làm việc không mệt mỏi” nhưng vẫn chưa giải quyết được vấn đề xung đột này; đồng thời thúc giục hai nhà lãnh đạo Israel và Palestine nhanh chóng quay trở lại bàn đàm phán. Ông Obama nhấn mạnh: “Mặc dù có rất nhiều rào cản, tồn tại vấn đề về lịch sử và hai bên còn chưa tin cậy lẫn nhau, nhưng chúng ta vẫn phải tìm được lối ra cho vấn đề này”.

Người đứng đầu Nhà Trắng nói rằng, kể từ khi nhậm chức, chính quyền của ông rất nỗ lực đặt nền móng để nối lại các cuộc đối thoại về hòa bình tại khu vực Trung Đông, tuy nhiên vẫn còn nhiều việc phải làm. Tổng thống Obama cũng nhấn mạnh, cam kết của Mỹ là ủng hộ một giải pháp hai nhà nước, và cho rằng điều quan trọng nhất là các bên phải tạo điều kiện cho cuộc đàm phán này có cơ hội thành công.

Phát biểu sau cuộc gặp với Tổng thống Obama và Thủ tướng Netanyahu ở New York, ông Abbas nhắc lại rằng, Israel cần phải ngừng việc mở rộng các khu định cư trên vùng đất chiếm đóng của Palestine, bao gồm cả Đông Jerusalem. Israel cần tuân theo các thỏa thuận về đường biên giới, Jerusalem ký năm 2008 để phục hồi các cuộc đàm phán hòa bình đang bị đình trệ. Ông Abbas khẳng định, Palestine cam kết thực hiện lộ trình hòa bình, tiếp tục hợp tác và yêu cầu Israel thực hiện các cam kết. Theo ông Abbas, để các cuộc đàm phán tiếp tục cần dựa trên cơ sở các hoạt động, đó là Israel phải rút khỏi đường biên giới năm 1976 và kết thúc chiếm đóng Palestine.

Tuy nhiên, theo Tổng thống Obama, hai bên nên nghĩ tới những mục tiêu lớn hơn, gạt bỏ bớt những trở ngại trên lộ trình hòa bình. Tổng thống Barack Obama đã không giấu nổi sự thiếu kiên nhẫn của mình trong suốt cuộc gặp, nhằm thúc ép 2 vị lãnh đạo đối địch tiến tới những cam kết đột phá hơn. “Nói thẳng, giờ không phải là lúc nói tới chuyện bắt đầu đàm phán nữa. Không thể cứ bắt đầu, rồi lại bỏ đó. Không thể cứ bước tiến, bước lui trong lộ trình này nữa. Giờ là lúc phải triển khai hành động”, ông Obama tỏ ra gay gắt tại cuộc gặp 3 bên.

Theo giới phân tích, thái độ nóng lòng và sự thiếu kiên nhẫn của Tổng thống Obama là chủ ý của ông, nhằm khiến cho khoảng thời gian ngoại giao ngắn ngủi mang lại nhiều thành công hơn. Cuối cuộc gặp, Tổng thống Mỹ đã lên một lộ trình dày đặc cho tiến trình hòa bình Trung Đông. Theo đó, ông giao đặc sứ Mỹ tại Trung Đông Gorge Mitchell tiếp tục gặp gỡ với 2 vị lãnh đạo đối địch ngay tại Mỹ trong tuần này khi hai ông còn ở đây, sau đó mời các nhà đàm phán hai bên tới hội đàm cùng nhau tại Washington tuần sau. Tiếp đó, ông Obama yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton phải theo dõi và báo cáo tiến độ vào giữa tháng 10-2009.

Việc ông Obama tham gia sâu vào tiến trình hòa bình Trung Đông tại thời điểm này được giới quan sát đánh giá là sự thể hiện “cam kết mạnh mẽ tiến tới hòa bình toàn diện” của Tổng thống Mỹ. Theo đánh giá chung của giới quan sát, lộ trình dày đặc cho hòa bình Trung Đông cho thấy ông Obama đã coi trọng vấn đề này và coi đó như một trong những canh bạc đối với uy tín quốc tế của Mỹ cũng như cá nhân Tổng thống Mỹ.

BĂNG CHÂU

;
.
.
.
.
.