.

Tranh chấp thương mại Mỹ - Trung leo thang

.

Sau khi Trung Quốc tăng cường áp lực lên Mỹ bằng việc điều tra “chống phá giá” với phụ tùng ô-tô và thịt gà nhập khẩu từ Mỹ, nhằm trả đũa quyết định áp thuế lên mặt hàng lốp xe nhập khẩu từ Trung Quốc của Tổng thống Obama, Trung Quốc tiếp tục đệ đơn khiếu nại chính thức lên WTO về mức thuế mới mà Mỹ áp đặt đối với các loại lốp ô-tô nhập khẩu từ Trung Quốc. Cáo buộc của Bộ Thương mại Trung Quốc về quyết định áp thuế mới của Mỹ là “vi phạm quy định của WTO” đã đẩy cẳng thẳng quan hệ thương mại hai nước lên một nấc thang mới.

Nhập khẩu săm lốp ô-tô từ Trung Quốc vào thị trường Mỹ tăng mạnh đã làm mất đi hơn 5.000 việc làm tại Mỹ.

Phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Diêu Kiên trong cuộc họp báo hôm 15-9 cho biết, quyết định áp thuế của Mỹ đã gửi một thông điệp sai lầm tới thế giới. Đây là lần đầu tiên Washington áp dụng điều khoản “an toàn” đặc biệt mà Bắc Kinh từng chấp thuận trước khi gia nhập WTO năm 2001. Điều khoản này có thể được sử dụng nếu một mặt hàng nhập khẩu ồ ạt ảnh hưởng tới các nhà sản xuất Mỹ.

Trung Quốc lập tức tuyên bố sẽ có những bước sơ bộ tìm kiếm một quyết định của WTO xung quanh vấn đề này. Phát ngôn viên Diêu Kiên nhấn mạnh, Bắc Kinh không muốn việc tranh cãi ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ Trung - Mỹ nhưng khẳng định, quan chức Trung Quốc sẽ tiếp tục phản đối bảo hộ thương mại tại Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tổ chức ở Pittsburgh, Pennsylvania.

Theo Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Chung Sơn, Trung Quốc sẽ khuyến khích và hỗ trợ các nhà sản xuất săm lốp đại lục sản xuất thêm nhiều săm lốp hạng trung, cao cấp. “Chúng tôi sẽ thận trọng lắng nghe tiếng nói và đề xuất của các công ty, thực hiện những biện pháp tích cực và phối hợp với họ để giải quyết các vấn đề họ gặp phải”, ông nói. Một số báo chí Trung Quốc nhấn mạnh tới biện pháp đáp trả việc áp thuế mới của Mỹ, số khác lại cố làm dịu ảnh hưởng từ việc này tới quan hệ thương mại nói chung giữa hai nền kinh tế lớn nhất và lớn thứ ba thế giới.

Vụ việc bắt nguồn từ kiến nghị của liên đoàn công nhân thép Mỹ rằng, kể từ năm 2004, nhập khẩu săm lốp ô-tô từ Trung Quốc tăng mạnh đã làm mất đi hơn 5.000 việc làm tại Mỹ. Phía Mỹ đã viện dẫn mục 421 của Luật Thương mại năm 1974, theo đó cho phép Chính phủ quyết định liệu một sản phẩm nhập khẩu từ phía Trung Quốc có tăng ở mức “làm rối loạn” thị trường đối với các nhà sản xuất trong nước sản xuất cùng loại sản phẩm hay sản phẩm cạnh tranh trực tiếp hay không.

Điều luật này còn được sự đồng ý của Trung Quốc khi đàm phán tham gia Tổ chức Thương mại thế giới năm 2000. Hôm thứ sáu, Nhà Trắng tuyên bố, tăng thuế 35% với săm lốp nhập khẩu từ Trung Quốc trong một năm, hai năm tiếp theo là 30% và 25%. Mỹ giải thích rằng, động thái này nhằm cứu vãn sự sụp đổ của thị trường Mỹ vì việc nhập khẩu săm lốp tăng vọt. Bắc Kinh thì khẳng định, đây là chủ nghĩa bảo hộ. Trước đó, Washington cũng đã nhiều lần cáo buộc Trung Quốc bảo hộ thương mại. Và tất nhiên, Mỹ cũng không vui vẻ gì với việc hàng hóa giá rẻ Trung Quốc ồ ạt xuất khẩu vào nước họ.

Vụ tranh chấp này sẽ không chỉ ảnh hưởng tới ngành sản xuất lốp xe, các sản phẩm từ gà, và ô-tô mà còn gây áp lực trong nước lên chính phủ hai nước là phải có quan điểm mạnh mẽ hơn đối với những vấn đề kinh tế của bên kia. Ngoài ra, tranh chấp thương mại còn có thể làm gia tăng căng thẳng chính trị giữa hai quốc gia, ngay cả khi hai nước còn đang nỗ lực cùng nhau vực dậy nền kinh tế toàn cầu và giải quyết những mối đe dọa an ninh của nhau như tham vọng hạt nhân của Iran và Triều Tiên.

Trước mắt, để giải quyết tranh chấp thương mại mới nhất này, Trung Quốc và Mỹ có thể đề nghị tiến hành tham vấn trước khi yêu cầu WTO ra phán quyết. Theo quy định của WTO, hai nước có 60 ngày để tiến hành cuộc tham vấn song phương. Trong trường hợp hai bên không đạt được thỏa thuận, WTO sẽ đưa ra “tiếng nói quyết định” về vấn đề này.

BĂNG CHÂU

;
.
.
.
.
.