Abdel Baset al-Megrahi bước xuống máy bay tại sân bay ở Tripoli, Libya. (Ảnh: AP) |
Khi Abdel Baset al-Megrahi, công dân Libya, năm 2001 bị kết án 27 năm tù giam vì gây ra vụ đánh bom chiếc máy bay Pan Am 103 trên bầu trời Lockerbie năm 1988, được chính quyền Scotland trả tự do, một làn sóng giận dữ tại Mỹ nổ ra. Ngày 22/8, chương trình Tin tức thế giới của kênh truyền hình ABC phát phóng sự về các phản ứng giận dữ xung quanh việc phóng thích này không lâu trước tin về lời xin lỗi của William Calley, cựu trung úy quân đội Mỹ từng bị kết án tù chung thân vì gây ra vụ thảm sát dân thường ở ngôi làng Mỹ Lai (Việt Nam).
Sau khi Megrahi, đã chịu án 8 năm trong tù, trở về quê nhà trong màn chào đón như người hùng tại Libya, các quan chức ở Washington thể hiện sự thất vọng. Người phát ngôn Nhà Trắng Robert Gibbs gọi đây là “điều xúc phạm và gây căm phẫn” còn Tổng thống Barack Obama thì cho rằng “rất đáng chê trách.” Trong khi đó lời xin lỗi của Calley, người thừa nhận tại tòa đã giết hại các dân thường Việt Nam nhưng chỉ thụ án 3 năm nhờ sự can thiệp của Tổng thống Richard Nixon, nhận được sự hoan hô từ thính giả tại Câu lạc bộ Kiwanis ở Greater Columbus, Georgia, thành phố nơi ông ta sống nhiều năm sau cuộc chiến (giờ Calley cư trú ở Atlanta).
Với Calley, không có sự ồn ào, om xòm như với Megrahi và dường như không ai nghĩ đến việc hỏi Gibbs hay Obama bình luận về chuyện đó, bất chấp những điểm giao thoa kỳ lạ của hai con người, hai số phận này.
Một phần dẫn đến khác biệt trong đối xử đó dĩ nhiên là sự trôi qua của thời gian và lời hối lỗi của Calley, dù chậm trễ nhiều thập kỷ, liên quan đến vụ thảm sát bê bối với hơn 500 dân thường. Cựu chiến binh Mỹ này nói: “Không ngày nào trôi qua mà tôi không cảm thấy ân hận về những gì xảy ra ngày đó ở Mỹ Lai. Tôi cảm thấy có lỗi với những người dân Việt Nam bị sát hại và gia đình của họ, cũng như với những binh sĩ Mỹ dính líu vào vụ thảm sát này và gia đình của họ. Tôi thành thật xin lỗi.”
Về phần mình, Megrahi, đang chết dần bởi căn bệnh ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối, chấp nhận rằng thân nhân của 270 nạn nhân vụ đánh bom Lockerbie “căm thù tôi. Đó là lẽ tự nhiên…Họ cho rằng tôi có tội, nhưng thực tế không phải vậy. Một ngày nào đó, sự thật sẽ không còn bị che giấu như hiện nay. Người Arập có một câu nói: Sự thật không bao giờ chết.”
Chủ nghĩa ngoại lệ kiểu Mỹ
Calley bị cáo buộc liên quan đến cái chết của hơn 100 dân thường và bị buộc tội giết hại 22 người tại một ngôi làng trong khi Megrahi bị buộc tội giết hại 270 người trên một chuyến bay. Gần như tất cả mọi người cảm thấy vô lý, đáng căm phẫn hay bất công, nhẫn tâm khi Chính phủ Scotland cho phép một kẻ bị buộc tội thảm sát như vậy trở lại quê nhà, nơi anh ta được chào đón với những vòng tay rộng mở.
Nhưng dường như không ai thấy kỳ quặc rằng một kẻ gây tội thảm sát khác đã sống tự do ở quê nhà suốt bao năm tháng. Gia đình các nạn nhân Lockerbie được phỏng vấn ở khắp mọi nơi. Còn khi lời xin lỗi của Calley được công bố, hình như không nhà báo Mỹ nào nghĩ đến việc quan tâm đến gia đình các nạn nhân ở Mỹ Lai, hỏi xem họ nghĩ gì về lời xin lỗi muộn màng của một trung úy lâu nay sống tự do, kẻ chịu trách nhiệm và đích thân tham gia vào vụ thảm sát những người thân yêu của họ.
Bất kể phản ứng chính thức với vụ Megrahi như thế nào đi chăng nữa, việc thiếu những phản ứng về vụ Calley càng nhấn mạnh sự chối bỏ lâu nay của người Mỹ không muốn đối diện với những gì nước Mỹ đã làm với Việt Nam và người dân Việt Nam trong cuộc chiến kết thúc đã hơn 30 năm nay. Kể từ đó, không ít vụ thảm sát bị che giấu đã được lần lượt làm sáng tỏ.
Có thể kể ra vụ thảm sát dân thường ở làng Thạnh Phong, đồng bằng sông Cửu Long bởi trung úy Bob Kerrey (sau này làm thượng nghị sĩ Mỹ) và đội SEAL do ông ta đứng đầu (tờ Thời báo New York và truyền hình CBS phát hiện năm 2001); một loạt hành động hung tàn bao gồm giết người, tra tấn liên quan đến cái chết của hàng trăm người dân chủ yếu tại tỉnh Quảng Ngãi (cũng là nơi có làng Mỹ Lai) gây ra bởi đội Mãnh Hổ (báo Mỹ Toledo Blade phát hiện năm 2003); 7 vụ thảm sát, 78 vụ tấn công khác vào dân thương và 141 vụ tra tấn (tờ Thời báo Los Angeles phanh phui năm 2006) hay việc tàn sát hàng nghìn người dân Việt Nam ở châu thổ sông Mekong trong chiến dịch “Speedy Express” (tạp chí The Nation phanh phui năm 2008).
Trong thập kỷ qua, những tội ác ghê tởm bị che giấu ở Việt Nam dần lộ diện chất chồng, cho thấy vụ thảm sát Mỹ Lai không chỉ là vụ cá biệt mà rất nhiều cựu chiến binh Mỹ đã phải sống với những ký ức không khác gì của Calley.
Bài viết của Nick Turse, nhà báo nổi tiếng Mỹ từng đoạt các giải thưởng báo chí như Ridenhour và James Aronson, đang là giám đốc nghiên cứu của mạng Tomdispatch.com. Nick Turse là nhà báo từng nhiều năm nghiên cứu và có những bài viết chấn động dư luận thế giới về các vụ thảm sát của lính Mỹ ở Việt Nam. |
Trung Sơn (dịch) (Vietnam+)