William Calley, cựu trung úy quân đội Mỹ. |
Một số người dân bị giết trong hố tránh bom, những người khác bị giết khi họ đang cố rời khỏi đó. Phụ nữ ôm những đứa trẻ cũng bị bắn gục. Những người khác thì tụ tập lại, cố lấy thân mình che cho con cái khi họ phải hứng chịu những tràng đạn súng máy. Trẻ em, ngay cả các em bé, cũng bị hành quyết.
Với vai trò của mình trong cuộc tắm máu đó, Calley bị kết án tù chung thân. Thế nhưng, anh ta chỉ mất 3 ngày tại một trại giam quân đội trước khi Nixon can thiệp và Calley được trở về “căn hộ” của mình để chịu hình thức như giam lỏng. Tại đó, bạn gái anh ta được ghé thăm thường xuyên còn Calley thậm chí còn được nuôi một bầy thú cưng.
Cuối năm 1974, Calley chính thức được trả tự do. Sau đó, anh ta đi nói chuyện ở các trường (được nhận 2.000 USD cho một lần lên bục), cưới con gái một nhà kim hoàn ở Columbus, Georgia và làm việc tại tiệm trang sức trong nhiều năm mà không bị những người xung quanh la ó, phản đối gì cả. Suốt quãng thời gian đó, Calley giữ im lặng và cho dù có nhiều cơ hội, cựu trung úy này không đưa ra lời xin lỗi.
Tuy nhiên, sự ăn năn muộn mằn của Calley là bằng chứng cho cảm giác chịu trách nhiệm mà những người cấp cao hơn anh ta, từ chỉ huy đại đội Ernest Medina đến Tổng tư lệnh Lyndon Johnson, không bao giờ có được dây thần kinh đạo đức để thừa nhận.
Gần đây, nhìn lại cuộc đời và cái chết của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara, nhà báo Mỹ Jonathan Schell đặt câu hỏi: “Có bao nhiêu nhân vật công chúng có tầm quan trọng như McNamara từng thể hiện sự ân hận về những lỗi lầm, hành động điên rồ và tội lỗi của họ? Khi những thập kỷ của thế kỷ 20 trôi qua, đống xác người chất chồng ngày càng cao đến tận trời xanh và giờ lại chất chồng hơn nữa vào một thế kỷ mới. Nhưng liệu bao nhiêu trong số các quan chức cao cấp đã gây ra những điều trên từng nói được câu "Tôi đã phạm sai lầm" hay "Tôi hoàn toàn sai lầm" hay nhỏ một giọt nước mắt lên những hành động của họ? Tôi thấy chỉ một mà thôi: Robert McNamara.”
Vì Mỹ không chịu nhận trách nhiệm với những vụ thảm sát dân thường cũng như những tổn thương gây ra ở Đông Nam Á trong những năm tháng chiến tranh, và vì lời xin lỗi của McNamara cũng muộn nhiều thập kỷ, McNamara chưa bao giờ trở thành bộ mặt cho các vụ thảm sát tại Việt Nam cho dù ông ta, cũng như các tướng lĩnh và quan chức dân sự hàng đầu khác của Mỹ thời đó phải chịu một trách nhiệm lớn hơn so với những nhân vật cấp thấp như Calley.
Cuộc tàn sát ở châu thổ sông Mekong
Vài tuần sau cái chết của McNamara, Julian Ewell, một tướng hàng đầu từng giữ hai vai trò chỉ huy quan trọng trong cuộc chiến Việt Nam, cũng qua đời. Trong nhiều năm, những đồn đại về sự hung bạo luôn lởn vởn quanh nhân vật này, nhưng chỉ trong một số ít cựu chiến binh và sử gia về Chiến tranh Việt Nam.
Năm 1971, các phóng viên Kevin Buckley và Alex Shimkin của tờ Newsweek tiến hành một cuộc điều tra quy mô rộng về chiến tích “vẻ vang” của Ewell là chiến dịch 6 tháng ở châu thổ sông Mekong mang tên “Speedy Express.” Họ tìm thấy bằng chứng về tình trạng thảm sát dân thường. Một quan chức Mỹ cho Buckley biết: “Nó còn khủng khiếp hơn Mỹ Lai. Nhưng thương vong của dân thường lại được công bố nhỏ giọt và chia nhỏ trong một thời gian dài. Ngoài ra, phần lớn họ bị giết hại trong các trận không kích và vào ban đêm. Hơn nữa, thương vong này lại được cấp chỉ huy lấp liếm trong tính toán.”
Khi những tin tức về bài báo sắp đăng của Newsweek lộ ra, John Pual Vann, người khi đó là nhân vật quân sự quyền lực thứ 3 của Mỹ tại Việt Nam cùng phó của mình, Đại tá David Farnham đã gặp Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ là Tướng William Westmoreland tại Washington. Trong cuộc họp này, Vann cho Westmoreland biết rằng lính của Ewell đã cố tình sát hại dân thường để tăng thêm số lượng tử vong của đối phương, vốn là yếu tố chính trong đánh giá thành công trên chiến trường, đánh bóng danh tiếng và sự nghiệp cho chỉ huy. Theo Farnham, Vann nói rằng chiến dịch “Speedy Express” thực chất là “rất nhiều Mỹ Lai.”
Lầu Năm Góc quyết định bưng bít và Newsweek - không dám làm bối rối thêm nữa chính quyền Nixon trong bối cảnh vụ Mỹ Lai đã bị phanh phui - cũng đã giữ bí mật toàn bộ kết quả cuộc điều tra tỉ mỉ của Buckley và Shimkin. Tờ báo này chỉ xuất bản một bài bị cắt xén nặng nề, tạo điều kiện cho Lầu Năm Góc vượt qua vụ bê bối mà không phải mở cuộc điều tra chính thức diện rộng như đã phải làm sau khi báo chí phanh phui vụ thảm sát Mỹ Lai.
Chỉ đến năm ngoái, một phần trong báo cáo mà Newsweek đã ỉm đi cũng như bằng chứng mới về các vụ thảm sát và bưng bít của chiến dịch “Speedy Express” mới xuất hiện trong bài viết đăng trên “The Nation” (tác giả chính là Nick Turse) và chỉ đến khi Ewell qua đời, câu chuyện mới được đề cập trên tờ Bưu điện Washington rằng một báo cáo chính thức mà quân đội Mỹ giữ bí mật lâu nay, lập sau cuộc điều tra của Buckley và Shimkin, kết luận: “Trong khi dường như không có cách thức xác định chính xác số thương vong dân thường mà lực lượng Mỹ gây ra trong chiến dịch "Speedy Express," thực tế số thương vong này là rất lớn và căn cứ vào các thông tin thì nó lên đến vài nghìn (từ 5.000 đến 7.000).”
Một năm sau khi bài báo bị gạt bỏ hầu hết nội dung quan trọng của Buckey-Shimkin xuất bản, Ewell nghỉ hưu. Đại tá Farnham cho rằng viên chỉ huy này bị giải ngũ sớm là vì quân đội lo ngại sẽ xảy ra bê bối lớn. Nếu điều đó là thực, đấy chỉ là một khiển trách quá nhẹ mà Ewell phải chịu, còn nhẹ hơn nhiều so với bản án cho Megrahi, hay thậm chí cho Calley! Ewell không phải chịu trách nhiệm gì cho cái chết của hàng nghìn dân thường. Không cần phải nói, hành động thảm sát của Ewell không bao giờ được truyền hình quan tâm, cũng như không Tổng thống Mỹ nào bày tỏ sự giận dữ về nó.
Trở lại với Mỹ Lai và Lockerbie. Trong khi một cơ hội đã bị lãng phí trong thời chiến tranh, lời xin lỗi của Calley và phản ứng trước việc Megrahi được phóng thích là một dịp để nhiều người Mỹ tự vấn lương tâm. Họ cần đặt câu hỏi tại sao một “tiêu chuẩn kép” như vậy đang tồn tại khi thể hiện sự giận dữ với những kẻ bị kết tội thảm sát?
Ngoài ra, cũng đáng đặt câu hỏi tại sao một vài cá nhân, như một cựu nhân viên tình báo Libya hay một sĩ quan bộ binh cấp thấp Mỹ lại hứng chịu nhiều chỉ trích cho những tội ác lớn mà rõ ràng những người phải chịu trách trách nhiệm ở cấp cao hơn họ nhiều? Tại sao những quan chức khởi đầu chuỗi mệnh lệnh dây chuyền, những nhà “chỉ huy” chiến tranh ở Washington hay Tripoli lại không bị trừng phạt vì những cuộc tắm máu dân thường bởi chính bàn tay họ? Thế nhưng, đáng buồn là cơ hội tự vấn lương tâm này dường như cũng sẽ bị lãng phí mà thôi.
Trong động thái tức thì sau lời xin lỗi của Calley, không phải là một nhà báo từ truyền thông Mỹ mà của AFP (Pháp) đã tìm hiểu phản ứng của những người dân Việt Nam sống sót hay thân nhân của các nạn nhân thảm kịch Mỹ Lai. Khi một phóng viên AFP hỏi Phạm Thành Công, người chứng kiến mẹ và các anh, các em bị giết trong vụ thảm sát Mỹ Lai, rằng ông nghĩ gì về lời xin lỗi của Calley, nhân chứng này đã nói: “Có lẽ ông ta giờ đây ăn năn vì tội ác và lỗi lầm của mình hơn 40 năm về trước.” Có lẽ.
Ngày nay, một số trong đại đội của Calley, những người đã phạm tội ác khủng khiếp ở Đông Nam Á và chưa bao giờ phải đối mặt với công lý, đang sinh sống ở các thành phố và ngoại ô Mỹ. Những người khác thì vẫn đang trong quân ngũ. Chính vì thế, phản ứng giận dữ với việc Megrahi được phóng thích cũng chỉ là hồi chuông sáo rỗng.
Thiếu một sự thừa nhận thành thực với những nỗi đau mà Mỹ đã gây ra cho người Việt Nam đồng thời lại sẵn sàng phớt lờ những bằng chứng ngày càng nhiều và rõ ràng về các vụ thảm sát vẫn là một chính sách từ lâu đối với Chiến tranh Việt Nam. Song song với đó là thái độ tìm cách giảm thiểu mọi thảo luận về những hành động tàn bạo của Mỹ ở Đông Nam Á, cố gói gọn nó vào một vụ Mỹ Lai duy nhất với William Calley hứng chịu gánh nặng không chỉ cho tội ác của anh ta mà còn cho tất cả tội ác của Mỹ tại đây.
Tình trạng này sẽ còn tiếp tục cho đến khi người Mỹ làm được điều mà quân đội cũng như các nhà lãnh đạo dân sự của họ đã không chịu làm trong hơn 40 năm qua: đó là chịu trách nhiệm với những điều đau khổ mà Mỹ đã gây ra ở Việt Nam.
Bài viết của Nick Turse, nhà báo nổi tiếng Mỹ từng đoạt các giải thưởng báo chí như Ridenhour và James Aronson, đang là giám đốc nghiên cứu của mạng Tomdispatch.com. Nick Turse là nhà báo từng nhiều năm nghiên cứu và có những bài viết chấn động dư luận thế giới về các vụ thảm sát của lính Mỹ ở Việt Nam. |
Trung Sơn (dịch) (Vietnam+)