Sáng 16-9, Thủ tướng Taro Aso và Nội các của ông đã từ chức để dọn đường cho Quốc hội Nhật Bản bầu ông Yukio Hatoyama làm lãnh đạo mới của đất nước.
Các nghị sĩ chúc mừng tân Thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama tại Hạ viện hôm 16-9. |
Quốc hội Nhật Bản đã triệu tập một phiên họp đặc biệt vào cuối ngày 16-9 và chính thức bầu ông Hatoyama trở thành Thủ tướng mới. Tân Thủ tướng Hatoyama cam kết sẽ cải tổ hệ thống chính trị Nhật Bản, cắt giảm chi tiêu lãng phí của Chính phủ, tiếp sinh lực cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và tập trung vào các chính sách hướng tới người tiêu dùng chứ không phải là các tập đoàn lớn. Ông Hatoyama phát biểu:
“Tôi rất xúc động trước viễn cảnh lịch sử đang thay đổi. Tôi cũng cảm thấy gánh nặng của trách nhiệm làm nên lịch sử”. Hatoyama sẽ có một nhiệm vụ đầy khó khăn ở phía trước. Đầu tiên, ông phải thành lập một Nội các. Trước đó, ông Hatoyama đã chọn Katsuya Okada làm Ngoại trưởng và Hirohisa Fujii làm Bộ trưởng Tài chính. Ông Okada chưa bao giờ nắm giữ một chức vụ nào trong Nội các, còn Fujii từng là Bộ trưởng Tài chính trong Chính phủ liên minh, giai đoạn 1993-1994.
Tối 15-9, ông Hatoyama đã hoàn tất danh sách các bộ trưởng trong Nội các mới. Chính phủ mới sẽ liên kết với 2 đảng nhỏ là Đảng Dân chủ Xã hội và Đảng Quốc dân mới. Hai vị trí chủ chốt trong Nội các sẽ do Phó Chủ tịch Đảng Dân chủ Naotokan và Tổng thư ký Katsuya Okada nắm giữ. Các vị trí còn lại hầu hết thuộc về các thành viên Đảng Dân chủ. Ông Hatoyama cũng đã chỉ định bà Mizuho-fukusima, Chủ tịch Đảng Dân chủ Xã hội làm Bộ trưởng phụ trách tỷ lệ sinh đẻ, người tiêu dùng, bình đẳng giới và an toàn thực phẩm. Ông Sizuka-kamei, Chủ tịch Đảng Quốc dân mới được chỉ định làm Bộ trưởng phụ trách các vấn đề về tài chính và dịch vụ bưu chính.
Hiện nay, nền kinh tế Nhật Bản đang ở trong tình trạng tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II. Thất nghiệp ở mức cao kỷ lục còn tiền lương sụt giảm. Tình trạng dân số già hóa nhanh cũng là một trở ngại đối với ngân sách quốc gia, vì số người nộp thuế giảm trong khi quỹ lương hưu phình to. “Nền kinh tế đang ở trong giai đoạn rất khó khăn, do vậy chúng ta phải làm việc tích cực để cải thiện tình hình”, trích lời Mieko Tanaka, một trong những nhà lập pháp mới của DPJ.
Tân Thủ tướng Hatoyama cũng sẽ phải đối mặt với một phép thử trên mặt trận ngoại giao. Chính trị gia này cho biết, ông muốn tham dự một cuộc họp của Liên Hợp Quốc ở New York vào tuần tới và có thể sẽ gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama. Hatoyama cũng tuyên bố, ông muốn xây dựng một chính sách ngoại giao đưa Tokyo vào vị thế độc lập hơn với Washington và thúc đẩy các mối quan hệ chặt chẽ hơn với các nước láng giềng châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.
GIA HUY (Tổng hợp từ AP, BBC)