.

Yukio Hatoyama và kỷ nguyên mới của nước Nhật

.

Theo Asahi, Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) chiếm được 308 ghế trong 480 ghế của Hạ viện. Trong khi đó, Đảng Dân chủ tự do (LDP) chỉ chiếm được 119 ghế và đồng minh New Komeito chiếm được 21 ghế. Ba đảng khác thuộc phe đối lập - Đảng Dân chủ xã hội, Đảng Cộng sản Nhật Bản và Đảng Nhân dân mới lần lượt giữ được 7-9-3 ghế.
 

Thất bại của LDP sẽ mở đường cho ông Yukio Hatoyama trở thành Thủ tướng và thành lập nội các mới trong một vài tuần tới.

Như vậy, với chiến thắng này, ông Yukio Hatoyama gần như chắc chắn sẽ là Thủ tướng mới của Nhật Bản và mở ra một kỷ nguyên mới cho nước Nhật sau hơn 50 năm cầm quyền của LDP. Tuy nhiên, nhiệm vụ trước mắt mà người đứng đầu nước Nhật sẽ phải đối diện là thành lập Chính phủ mới để khôi phục nền kinh tế trong nước và định ra một đường hướng mới trong quan hệ với đồng minh thân cận Mỹ.

Yukio Hatoyama, 62 tuổi, là người xuất thân từ dòng tộc được so sánh với dòng họ Kennedy tại Mỹ. Bên nội của ông Yukio Hatoyama có đến 4 đời tham gia chính trị. Đặc biệt là ông nội của ông - Ichiro Hatoyama, chính là người đã sáng lập ra LDP năm 1951 và làm chủ tịch đầu tiên của đảng này. Từ năm 1954 đến 1956, ông Ichiro Hatoyama đã ba lần được bầu làm Thủ tướng. 

Chiến thắng của DPJ sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho Nhật Bản, nhưng để bước vào được kỷ nguyên này, trọng trách đầu tiên là đưa Nhật Bản thoát khỏi cơn suy thoái trầm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Cử tri Nhật đặt hy vọng vào DPJ, đồng nghĩa với việc Chính phủ của ông Hatoyama sẽ phải biến những lời hứa đã đưa ra trong cuộc vận động tranh cử thành hiện thực trong nhiệm kỳ của mình. Chính phủ mới được hy vọng sẽ đem lại sự thay đổi cho nước Nhật, nhưng cũng không thể bảo đảm cỗ máy DPJ sẽ vận hành một cách trôi chảy vì đây là lần đầu tiên đảng này lên nắm quyền.

Hiện 10 triệu người Nhật phải chịu sinh hoạt với nguồn thu nhập hằng năm thấp hơn nhiều so với mức trước đây và 21% dân số đã vượt ngưỡng 65 tuổi. Nền kinh tế, phụ thuộc vào xuất khẩu đã suy giảm nhanh, trong khi lương bổng vẫn ở trên đà ngày càng giảm thiểu từ 15 năm nay. DPJ ý thức được những thách thức lớn trước mắt khi giải quyết các vấn đề đối nội, trong khi từ đây đến năm tới, Chính phủ mới còn phải tập trung chuẩn bị cho cuộc bầu cử Thượng viện. 

Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử, Chủ tịch DPJ Yukio Hatoyama chủ trương nước Nhật sẽ ít dựa hơn vào Mỹ và sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với châu Á. Trên tờ New York Times mới đây, ông Hatoyama kêu gọi thiết lập quan hệ đối tác “bình đẳng” hơn giữa Tokyo và Washington. Cho dù ông nhận định, hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ vẫn là nền tảng then chốt cho chính sách ngoại giao của Tokyo, nhưng ông nhấn mạnh đến bản sắc châu Á của Nhật Bản. Ông cũng chủ trương ủng hộ thiết lập Cộng đồng châu Á theo kiểu Liên minh châu Âu (EU) với một đồng tiền chung.

Tuy nhiên, theo các nhà  phân tích, trong trường hợp ông Hatoyama lên làm Thủ tướng, trước mắt, nước Nhật sẽ không có một sự chuyển hướng lớn nào trong chính sách đối ngoại và Tokyo sẽ không gây căng thẳng trong quan hệ với Mỹ, vì những lý do: Thứ nhất, từ nay đến năm tới, Chính phủ sẽ phải tập trung giải quyết các vấn đề đối nội và chuẩn bị cho cuộc bầu cử Thượng viện.

Vì vậy, DPJ một khi nắm chính quyền sẽ phải chọn lựa thái độ thực tiễn và không đảo ngược các chính sách đối ngoại, đã bảo đảm cho sự ổn định và thịnh vượng của nước Nhật. Thứ hai, liên minh chiến lược với Mỹ sẽ vẫn được duy trì, nhất là Washington đã triển khai “ô hạt nhân” để bảo vệ Tokyo trong trường hợp có nguy cơ bị tấn công và đồn trú 47.000 lính Mỹ tại Nhật Bản. 

Ông Yukio Hatoyama tốt nghiệp Trường Đại học Tokyo năm 1969 và nhận bằng tiến sĩ về khoa học tại Trường Đại học Stanford, Mỹ vào năm 1976. Ông được bầu vào Hạ viện lần đầu tiên năm 1986 với tư cách là thành viên của LDP sau khi làm trợ lý giáo sư tại Khoa Quản trị kinh doanh Trường Đại học Senshu.

Ông rời LDP sau cuộc tổng tuyển cử năm 1993 vì đảng này đã mất đa số trong Quốc hội lần đầu tiên kể từ năm 1955. Ngay trước khi đảng mới Sakigake giải tán, ông trở thành thành viên sáng lập DPJ và giữ chức chủ tịch đảng từ 9-1999 đến 12-2002.

Năm 2002, ông rời bỏ đảng vì không muốn đảng này sáp nhập với Đảng Tự do do Ichiro Ozawa lãnh đạo. Sau khi Ichiro Ozawa dính vào một xì-căng-đan, Hatoyama lại trở thành Chủ tịch đảng DPJ và chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 30-8.


ĐOÀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.