.

Chuyển biến tích cực về vấn đề hạt nhân Iran

.

Một động thái mới trong tuần qua được thế giới quan tâm, đó là kết quả của cuộc hội đàm giữa Iran với sáu cường quốc trên thế giới, gồm 5 thành viên Hội đồng Bảo an LHQ và Đức, tại Geneva, Thụy Sĩ. Đây là lần gặp đầu tiên kể từ tháng 7-2008 và cũng là lần đầu tiên Mỹ tham gia đầy đủ vào các cuộc hội đàm với Iran. Kết quả thu được từ cuộc hội đàm lần này là Iran đã đồng ý công khai cơ sở hạt nhân và các bên nhất trí sẽ ngồi lại với nhau trong tháng 10 để bàn về vấn đề hạt nhân ở Iran.

Hình ảnh chụp qua vệ tinh cơ sở làm giàu uranium ở Qom.

Tổng thống Barack Obama gọi cuộc hội đàm hạt nhân giữa Iran với sáu cường quốc là một sự khởi đầu mang tính xây dựng. Ông cũng yêu cầu Tehran phải thực hiện đúng những cam kết của mình khi phát biểu rằng: “Lời nói không thể thay cho hành động. Sự kiên nhẫn của chúng tôi có hạn”. Song song với những lời kêu gọi trên, ông chủ Nhà Trắng cũng không quên cảnh báo Iran rằng: Nếu Iran không thực hiện các cam kết hợp tác của mình, khi đó Mỹ sẽ không thể tiếp tục đàm phán vô hạn định, và chúng tôi sẵn sàng tăng cường áp lực. Điều này, ngụ ý rằng Mỹ và các nước phương Tây sẽ đưa ra các lệnh cấm vận khắt khe hơn dành cho nước Cộng hòa Hồi giáo.

Iran luôn khẳng định mình có quyền phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, nhưng các nước phương Tây lại nghi ngờ nước này đang nỗ lực chế tạo vũ khí hạt nhân. Đặc biệt, việc Iran tiết lộ cơ sở hạt nhân làm giàu uranium thứ 2 càng làm gia tăng lo lắng cho Mỹ và các nước phương Tây. Trưởng ban đối ngoại EU Javier Solana cho biết, đoàn đại biểu Iran cam kết Tehran sẽ sớm mời các thanh sát viên LHQ tới cơ sở làm giàu uranium gần Qom, và hy vọng lời mời này sẽ được đưa ra trong hai tuần nữa.

Ông Solana là người điều phối các cuộc hội đàm kéo dài một ngày ở Geneva, gồm 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ và Đức. Trong một cuộc họp báo riêng rẽ, ông Jalini khẳng định hội đàm sẽ được nối lại trong tháng 10 và các cuộc thảo luận sẽ dựa trên “nền tảng chung” giữa Iran và sáu cường quốc. Jalili cho biết, ông đã nhìn thấy khoảng trống dành cho “sự hợp tác mới” sau hội đàm lần 1.

Đáng chú ý nhất trong cuộc hội đàm lần này là sự có mặt của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William Burns và quan chức này đã có cuộc hội kiến song phương không chính thức với đại diện Iran, ông Jalili. Cuộc gặp giữa hai ông Burns và Jalili được xem là lần tiếp xúc cấp cao nhất giữa Washington và Tehran kể từ khi hai nước cắt đứt quan hệ ngoại giao sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 ở Iran. Đây là một dấu hiệu cho thấy chính quyền Obama sẵn sàng đối thoại với Tehran.

Tuy nhiên, vài giờ trước khi người đứng đầu IAEA Mohamed ElBaradei tới Iran để bàn về cách thức các thanh sát viên quốc tế tiếp cận nhà máy uranium mà Tehran vừa tiết lộ, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad lại lên tiếng khẳng định rằng, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phạm sai lầm lớn khi cáo buộc nước ông về tội giấu diếm địa điểm hạt nhân.

Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad khẳng định rằng, Iran đã nộp đủ hồ sơ về các địa điểm hạt nhân lên IAEA thuộc LHQ, thậm chí còn sớm hơn cả thời hạn yêu cầu. Dẫu vậy, Mỹ vẫn thúc ép Iran cần phải có những bước đi cụ thể và vững chắc phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế của mình, đồng thời xây dựng lòng tin với thế giới về bản chất hòa bình của chương trình hạt nhân mà họ đang theo đuổi.

Bất chấp những lời lẽ bày tỏ sự quan ngại sâu sắc từ Washington, London, Moscow cho tới Bắc Kinh, bước đột phá hạt nhân của Tehran có lẽ sẽ không làm mất đi cơ hội đạt được một giải pháp ngoại giao. Ngược lại, Iran từng nhiều lần khẳng định rằng, họ muốn có một thỏa hiệp để vừa giải tỏa những nỗi lo của phương Tây, vừa duy trì được quyền làm giàu uranium của họ, đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu. Vì vậy, những tuyên bố về khả năng làm giàu uranium của Iran có thể mang đến cho nước này nhiều lựa chọn hơn trên bàn đàm phán để họ có thể đạt được mục tiêu mà không cần phải tỏ ra là buộc phải nhượng bộ.

GIA HUY

;
.
.
.
.
.