.
Đàm phán hạt nhân Iran tại Áo

Không như mong đợi

.

Bất chấp Iran và các cường quốc Mỹ, Nga, Pháp đã bắt đầu các cuộc đàm phán về khủng hoảng hạt nhân Iran từ hôm 19-10, hy vọng về việc tìm thấy một lối thoát cho vấn đề này vẫn còn rất xa vời. Các cuộc đàm phán, dưới sự giám sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), hiện đang tập trung vào việc tìm kiếm một thỏa thuận cho phép Iran mua nhiên liệu hạt nhân dùng cho các mục đích dân sự. Tuy nhiên, lập trường cứng rắn của Iran về quyền sử dụng hạt nhân cho các mục đích dân sự của nước này đồng nghĩa với việc các cuộc đàm phán nói trên còn lâu mới có kết quả thỏa mãn cả đôi bên.

Đại diện của IAEA, Mỹ, Nga, Pháp và Iran tham gia đàm phán hạt nhân Iran ở Vienna, Áo.

Trong các cuộc đàm phán hôm 1-10 giữa Iran với nhóm 6 cường quốc do LHQ hậu thuẫn gồm Mỹ, Anh, Nga, Pháp, Đức và Trung Quốc, Tehran đã nhất trí chuyển hầu hết số uranium được làm giàu ở mức độ thấp mà nước này hiện đang sở hữu sang Nga và Pháp. Tại đây, số nhiên liệu hạt nhân này sẽ được tái chế thành các thanh nhiên liệu với độ thuần khiết là 20%.

Sau đó, chúng sẽ được gửi trở lại Iran để dùng trong một lò phản ứng nghiên cứu nhằm sản xuất ra các đồng vị phóng xạ, để phục vụ các mục đích dân sự. Ngoài ra, Iran còn đồng ý cho phép các thanh sát viên LHQ vào kiểm tra cơ sở làm giàu uranium mới được nước này tiết lộ hồi tháng trước. Có thể nói, cộng đồng quốc tế đã rất vui mừng và tràn trề hy vọng về việc cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran rồi cũng đến lúc kết thúc, khi Tehran đã có một số nhượng bộ đáng kể.

Tuy nhiên, chỉ trước khi các cuộc đàm phán mới giữa Iran và các cường quốc diễn ra trong tuần này ở Vienna, Iran đã lại tạo ra một nốt nhấn đầy thách thức khi phát ngôn viên của Nhà nước Iran – ông Ali Shirzadian tuyên bố, thỏa thuận Iran mua nhiên liệu hạt nhân từ nước ngoài không có nghĩa là Iran sẽ ngừng các hoạt động làm giàu uranium. Nếu các cuộc đàm phán không đem lại những kết quả như mong muốn, Iran sẽ bắt đầu làm giàu uranium ở mức độ thuần khiết là 20% để phục vụ cho lò phản ứng ở Tehran. Chúng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ quyền này.

Tuyên bố này rõ ràng đã phủ một bóng đen lên các cuộc đàm phán ở Vienna vì Mỹ không bao giờ đồng ý để cho Iran tiếp tục các hoạt động làm giàu uranium. Các cuộc đàm phán nói trên đã bị đình lại gần cả ngày 20-10, sau khi Iran tuyên bố không muốn Pháp là một phần của thỏa thuận hạt nhân giữa nước này với các cường quốc, vì lý do nước này đã bội ước trong các hợp đồng nhiên liệu hạt nhân giữa Iran và Pháp trong quá khứ. Tuy nhiên, cuối cùng các bên cũng đã quay trở lại bàn đàm phán sau khi các đại diện của Mỹ và Iran có cuộc gặp riêng trong văn phòng của ông ElBaradei.

Iran hiện đang cân nhắc đề nghị gửi uranium ra bên ngoài để làm giàu. Tuy nhiên, khó khăn ở chỗ Iran khẳng định rằng bất kỳ thỏa thuận nào về việc này cũng không có nghĩa là Tehran sẽ ngừng các hoạt động làm giàu uranium. Điều này như đã nói ở trên là mâu thuẫn với mong muốn của các cường quốc. Chính vì những trở ngại nói trên, Giám đốc IAEA ElBaradei đã thừa nhận:

“Các cuộc đàm phán đang tiến triển chậm hơn mong đợi”. Ông này cho rằng, tiến trình rất phức tạp và liên quan đến “nhiều vấn đề kỹ thuật” cũng như các biện pháp “tạo dựng niềm tin” nên sẽ khó có thể đạt được bước đột phá. Tuy vậy, ông ElBaradei tin rằng các cuộc đàm phán vẫn đang đạt được những tiến bộ dù nhỏ.

GIA HUY

;
.
.
.
.
.