.
Đàm phán hạt nhân Iran tại Áo

Phép thử thiện chí của các nước phương Tây

.

Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa sẽ diễn ra cuộc đàm phán hạt nhân Iran lần thứ 2 giữa các nước phương Tây và Iran tại Viena (Áo). Tuy nhiên, trước thềm của cuộc hội đàm này đã có không ít những lời cảnh báo từ hai phía càng làm vấn đề trở nên trầm trọng hơn. Trong một bài phỏng vấn với phóng viên hãng AP của Mỹ, ông Ali Shirzadian, người phát ngôn của Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran khẳng định, các cuộc đàm phán sắp tới là một phép thử thiện chí của các nước phương Tây.

Trong cuộc hội đàm với người đồng nhiệm Anh David Miliband về vấn đề hạt nhân Iran, bà Hillary cho rằng, Iran cần cụ thể hóa thiện chí của mình bằng hành động.

Ông Shirzadian đe dọa, nếu đàm phán thất bại và các nước từ chối cung cấp nhiên liệu hạt nhân cho Iran, Iran sẽ tự làm giàu uranium ở mức 20%, mức vừa đủ cho việc sử dụng hạt nhân vào mục đích dân sự.

Động thái này được cho là sẽ càng làm gia tăng căng thẳng trong cuộc tranh cãi về chương trình hạt nhân của Iran, vốn đã gia tăng sau khi Tehran tiết lộ đang xây dựng một cơ sở hạt nhân thứ hai hồi tháng trước. Con số đó còn thấp hơn nhiều so với 90% uranium hàm lượng cao cần thiết để sản xuất vũ khí hạt nhân, nhưng nó sẽ gây ra những lo ngại cho các quốc gia đang cố gắng thuyết phục Iran ngừng chương trình hạt nhân. Cho tới nay, Iran đã sản xuất được khoảng 1 tấn uranium với độ làm giàu khoảng 5%.

Trong chuyến thăm Anh, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton đã dành một khoảng thời gian đáng kể để tỏ rõ quan điểm vừa cứng rắn vừa thiện chí về việc giải quyết vấn đề hạt nhân Iran với Bộ trưởng Ngoại giao Anh David Miliband. Bà Clinton khẳng định, cuộc họp giữa Iran và 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và Đức diễn ra đầu tháng 10 tại Geneva (Thụy Sĩ) là một “sự khởi đầu tích cực”, nhưng Iran cần cụ thể hóa thiện chí của mình bằng hành động. “Chỉ lời nói không thì chưa đủ. Chúng tôi nhất trí gửi tới Iran thông điệp rõ ràng rằng, cộng đồng thế giới sẽ không chờ đợi vô hạn định việc Iran chứng tỏ sẵn sàng thực hiện những nghĩa vụ quốc tế của mình”.

Với đề xuất để một nước thứ ba làm giàu uranium, Iran hy vọng có thể xua tan mối ngờ vực của phương Tây về thực chất của chương trình hạt nhân tại nước này. Iran đã chấp thuận chuyển uranium làm giàu ở cấp độ thấp sang Pháp và Nga để đổi lấy uranium được làm giàu ở cấp độ cao hơn, cấp độ chưa đủ để chế tạo vũ khí hạt nhân, để dùng cho các lò phản ứng hạt nhân của Iran. Vì thế, nếu cuộc gặp ngày 19-10 tới không mang lại kết quả tích cực, vấn đề hạt nhân Iran sẽ ít có cơ hội đạt được những bước tiến bộ tiếp theo, bất chấp những dấu hiệu thiện chí ban đầu của cả hai phía.

Trong một diễn biến liên quan, đại diện của Iran tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), ông Ali Ashar Soltanieh bày tỏ tin tưởng, các cuộc đối thoại sắp tới giữa Iran với các cường quốc Mỹ, Nga và Pháp sẽ được thực hiện trong bầu không khí xây dựng.

Làm giàu uranium là mối lo ngại chính, vì công nghệ này có thể được sử dụng để tạo nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân, các lò nghiên cứu ở cấp độ thấp hoặc vũ khí nguyên tử ở cấp độ cao. Vì vậy, việc làm giàu uranium ở cấp độ cao được thực hiện ở nước ngoài có thể là bước đi quan trọng nhằm xây dựng lòng tin và xóa bỏ những lo ngại của phương Tây rằng, Iran đang sử dụng chương trình hạt nhân dân sự làm vỏ bọc cho việc phát triển vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, điều đó có thực hiện được hay không vẫn còn tùy thuộc vào thiện chí của các bên, đặc biệt là các nước phương Tây, trong cuộc đàm phán sắp tới tại Áo.

GIA HUY

;
.
.
.
.
.