(ĐNĐT) - Hai giáo sư người Mỹ giành được giải Nobel Kinh tế năm 2009. Trong đó, bà Elinor Ostrom trở thành người phụ nữ đầu tiên nhận được giải này kể từ khi ra đời năm 1968
Giáo sư Elinor Ostrom (trái) và Giáo sư Oliver Williamson |
Bà Ostrom, giáo sư đang giảng dạy môn khoa học chính trị tại Đại học Indiana, Mỹ đã chia sẻ giải Nobel cùng với đồng nghiệp người Mỹ là Giáo sư Oliver Williamson cho công trình nghiên cứu về quản lý kinh tế của mình.
Ủy ban Nobel cho biết, công trình của bà Ostrom cho thấy các cộng đồng địa phương thường quản lý những nguồn tài nguyên như rừng, hồ nước và các luồng cá tốt hơn là để các cơ quan chính quyền bên ngoài áp đặt luật lệ.
Để giải thích thêm về công trình của mình, bà Ostrom nói rằng, các quan chức thường không có các nguồn thông tin chính xác bằng người dân địa phương và những người sử dụng nguồn tài nguyên đó.
Theo Học viện Khoa học Hoàng gia Thuỵ Điển, công trình của Giáo sư Ostrom cho thấy cách mà tài sản chung có thể được quản lý một cách thành công bởi những nhóm người sử dụng chúng.
Khi được tin này, bà Ostrom nói với truyền hình Thuỵ Sĩ rằng bà bị “sốc” khi là người phụ nữ đầu tiên đạt giải Nobel Kinh tế. Đó là một sự ngạc nhiên lớn lao.
Trong khi đó, Giáo sư Oliver Williamson lại phát triển một lý thuyết cho rằng các doanh nghiệp hoạt động như một cấu trúc nhằm giải quyết các xung đột. Theo tạp chí Fobes, Giáo sư Oliver Williamson là tác giả của tác phẩm “Thể chế kinh tế của chủ nghĩa tư bản” ra đời năm 1975, một tác phẩm đặt cột mốc cho phong trào kinh tế chính trị mới vốn không thừa nhận ý kiến cho rằng các công ty chỉ đơn thuần là những cổ máy kiếm tiền.
Q. Hiển (Theo CNN, BBC)