.

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cấm vận Iran

.

Với 414 phiếu thuận và 6 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật cấm vận chống lại Iran. Theo đó, liên bang và chính quyền địa phương sẽ giành quyền hợp pháp gạt bỏ đầu tư từ những công ty đang trút vốn hơn 20 triệu USD vào hoạt động dầu khí của Iran.

Chuyên gia Iran đang làm việc tại một cơ sở hạt nhân  cách thủ đô Tehran 420km về phía nam.

Dự luật đưa ra nhằm bảo vệ pháp luật cho liên bang và chính quyền các địa phương khỏi những vụ kiện tụng do quyết định loại bỏ đầu tư của họ. Động thái mới này của Quốc hội Mỹ xuất hiện sau khi chính phủ Iran thông báo với cơ quan giám sát năng lượng Liên Hợp Quốc rằng, họ có một nhà máy làm giàu uranium thứ hai gần Qom, cách phía nam thủ đô Tehran 160 km. Nhà máy này được cho là có thể bao gồm tới 3.000 máy ly tâm.

Mỹ, các đồng minh châu Âu và Israel cáo buộc chương trình hạt nhân Iran nhằm mục tiêu phát triển vũ khí hạt nhân, trong khi Hội đồng Bảo an LHQ cũng luôn yêu cầu Iran ngừng hoạt động làm giàu uranium. Tuy nhiên, Iran khẳng định, các nhà máy hạt nhân của họ chỉ phục vụ mục đích hòa bình và tiếp tục làm giàu uranium bất chấp áp lực từ phương Tây cùng những nghị quyết liên quan và sự cấm vận của LHQ.

Chính quyền của Tổng thống Obama cho biết, chọn lựa cấm vận kinh tế vẫn đang trên bàn đàm phán với Iran, đồng thời thúc giục Tehran giải quyết quan ngại của cộng đồng quốc tế về vấn đề hạt nhân của nước này. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Philip Crowley nói trong một cuộc họp báo: “Chúng tôi nghĩ rằng, vẫn còn các cơ hội để tạo ra áp lực, nếu Iran sẵn sàng cân nhắc những quan ngại của Mỹ và các thành viên khác trong cộng đồng quốc tế về tham vọng hạt nhân của họ. Chiến lược của chúng tôi gồm hai hướng tiếp cận, đó là các cam kết cũng như áp lực. Chúng tôi có nhiều chọn lựa cấm vận, vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc để khiến chúng trở nên có hiệu quả hơn”.

Trước đó, phát biểu trước Ủy ban ngân hàng của Thượng viện hôm 6-10, Thứ trưởng Tài chính Mỹ Stuart Levy cho biết, sở dĩ chính quyền Obama lên kế hoạch cấm vận Iran để dự phòng trong trường hợp các nỗ lực ngoại giao thất bại. “Một kế hoạch hoàn chỉnh sẽ nhằm vào các mục tiêu thiết yếu và dễ bị tổn thương của Iran, để chứng tỏ cho Tehran thấy rõ cái giá phải trả nếu không đáp ứng các yêu cầu của cộng đồng quốc tế về ngừng chương trình hạt nhân”.
 
Theo Thứ trưởng Tài chính Mỹ Stuart Levy, Bộ Tài chính Mỹ cũng đã dự thảo một số biện pháp cấm vận tài chính trên cơ sở tăng thêm các biện pháp cấm vận tài chính hiện có với Iran. Ông Stuart Levy cũng chính là người đã xây dựng nên kế hoạch cấm vận tài chính từ thời Tổng thống Bush. Tuy nhiên, Thứ trưởng Tài chính Mỹ Stuart Levy cũng lưu ý rằng, trong mọi biện pháp trừng phạt, phải xác định mục tiêu trừng phạt là chính quyền Tehran chứ không phải người dân Iran.

Phản ứng mới nhất của Nga về vấn đề hạt nhân Iran, Thủ tướng Nga Putin cho rằng còn quá sớm để thảo luận các biện pháp cấm vận Iran, trong khi Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo khẳng định, Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục duy trì hợp tác với Tehran ngay cả khi Iran bị các nước phương Tây cô lập. Theo kế hoạch, các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) sẽ tới kiểm tra nhà máy làm giàu uranium mới của Iran vào ngày 25-10, sau khi Iran và các nước phương Tây tham gia các cuộc đàm phán thứ 2 vào ngày 19-10 tại Áo.

BĂNG CHÂU (Tổng hợp)

;
.
.
.
.
.