Trung Quốc và Nga là đối tác chiến lược và sự hợp tác giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, đã đạt tới mức độ cao trong những năm qua. Tổng thương mại giữa hai nước đạt 56,83 tỷ USD trong năm 2009 từ con số 9,3 tỷ USD năm 2002, tăng 6 lần trong 6 năm. Phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Ôn Gia Bảo tại Bắc Kinh, Thủ tướng Nga Putin khẳng định, quan hệ hợp tác Nga-Trung là cơ sở cho sự ổn định của thế giới. Mối quan hệ song phương này đóng vai trò lớn trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế nhạy cảm, cũng như bảo đảm nền hòa bình và phát triển chung trên thế giới.
Thủ tướng Nga Putin (trái) và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo. |
Chuyến thăm Trung Quốc lần này cũng là chuyến thăm đầu tiên của ông Putin kể từ khi nhậm chức Thủ tướng Nga tháng 5-2008, nhằm thúc đẩy các mối quan hệ năng lượng, chính trị và quân sự. Trung Quốc và Nga đã ký một thỏa thuận, theo đó các bên sẽ thông báo cho nhau về kế hoạch phóng tên lửa đạn đạo. Thỏa thuận được đánh giá là một bước tiến tới việc thiết lập lòng tin sâu rộng hơn nữa giữa Trung Quốc và Nga.
Trước đó, hai nước đã ký kết các thỏa thuận về dầu lửa và cung cấp khí đốt trị giá 3,5 tỷ USD. “Thỏa thuận cho thấy mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước, bởi các vụ phóng tên lửa đạn đạo là bí mật lớn của một nước, hiếm khi được tiết lộ cho các nước khác”, Li Daguang, một chuyên gia quân sự tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc cho hay trên tờ báo tiếng Anh Global Times.
Năm 1971, trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Mỹ và Nga cũng đã nhất trí thông báo cho nhau về các vụ phóng tên lửa đạn đạo nếu chúng vượt ra ngoài lãnh thổ của họ, và thỏa thuận này đã được mở rộng vào năm 2000. Tuy nhiên, báo chí Trung Quốc cho rằng thỏa thuận Nga-Trung khác hẳn so với thỏa thuận giữa Mỹ và Nga, song không nói rõ thêm.
Trong khuôn khổ của chuyến thăm, hôm 14-10, Thủ tướng Putin cũng đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra tại Bắc Kinh. Khởi nguồn là một nhóm hợp tác về an ninh chung, nhưng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế lan rộng toàn cầu, SCO đang tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực kinh tế-thương mại. Đặc biệt, mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia đầu tàu trong nhóm là Nga và Trung Quốc đang tạo đà cho SCO đạt một vị thế lớn hơn.
Không chỉ thúc đẩy quan hệ song phương, điều mang tính quyết định là Nga và Trung Quốc đạt được sự thống nhất về tăng cường hợp tác và ảnh hưởng với 4 quốc gia còn lại của tổ chức SCO nằm ở khu vực Trung Á. Đây là khu vực có ý nghĩa địa chính trị đặc biệt quan trọng đối với cả 2 nước, đồng thời dồi dào nguồn dầu mỏ và khoáng sản.
Từ đó để thấy rằng, những điều kiện cần và đủ đã cấu thành, cho phép SCO có thể vươn lên một bước phát triển mới. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu thực tế đang tạo ra cơ hội quan trọng để SCO hành động và thể hiện vai trò của mình. Lần này, người ta đặc biệt chờ đợi SCO có ý kiến chính thức về vấn đề đa dạng hóa tiền tệ, trong bối cảnh Nga và Trung Quốc đi đầu trong nỗ lực xóa bỏ vị trí độc tôn của đồng USD.
ĐOÀN LƯƠNG (Tổng hợp)