.

Mỹ không chấp nhận Triều Tiên có vũ khí hạt nhân

.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton vừa tuyên bố, Mỹ sẽ không bao giờ bình thường hóa quan hệ cũng như dỡ bỏ cấm vận đối với  CHDCND Triều Tiên, nếu nước này tiếp tục sở hữu vũ khí hạt nhân.

Bà Hillary nói rằng, Mỹ không nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên cho đến khi nào nước này có những bước đi cụ thể chứng minh việc giải trừ toàn bộ vũ khí hạt nhân của mình.

Phát biểu trước các chuyên gia chính sách đối ngoại tại một hội nghị do Viện Hòa bình Mỹ tổ chức ở Washington, bà Hillary khẳng định các lệnh trừng phạt Triều Tiên sẽ không được nới lỏng cho tới khi Bình Nhưỡng có những bước đi “có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược” tiến tới quá trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Bà Hillary nhấn mạnh, việc ngăn chặn những tham vọng hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và Iran sẽ củng cố cơ chế không phổ biến hạt nhân, đồng thời tái khẳng định việc Washington sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Triều Tiên, với điều kiện Bình Nhưỡng phải trở lại tham gia các cuộc đàm phán sáu bên.

Ngoại trưởng Hillary cho rằng, nếu vấn đề trên không được giải quyết, thế giới sẽ chứng kiến sự phát triển không ngừng các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, cũng như số lượng những kẻ khủng bố sử dụng vũ khí hạt nhân. Bà cũng cho rằng, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) chịu trách nhiệm giám sát các chương trình hạt nhân trên toàn cầu cần được bổ sung quyền hạn và các công cụ cần thiết nhằm có thể thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ của mình.

Trong khi đó, tại thủ đô Seoul khi đang ở thăm Hàn Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cũng tuyên bố, Washington sẽ không bao giờ chấp nhận Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân. Phát biểu trước các binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc, Bộ trưởng Gates nhấn mạnh, Mỹ sẽ hợp tác với các đối tác quốc tế để đảm bảo việc Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.

Theo ông Robert Gates, “Triều Tiên vẫn tiếp tục là mối đe dọa lớn đối với hòa bình quốc tế và Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp tấm chắn mở rộng, dùng hàng loạt khả năng của quân đội, trong đó có cả ô hạt nhân để bảo vệ an ninh cho Hàn Quốc”. Ngược lại, Triều Tiên coi hệ thống phòng thủ hạt nhân của Washington là một mối đe dọa chính đối với nước này và từ lâu cho rằng họ cần có chương trình hạt nhân riêng để tự vệ trước “chiếc ô hạt nhân” của Mỹ.

Ông Gates và người đồng cấp Hàn Quốc Kim Tae-young cũng cho rằng, những thay đổi gần đây của Bình Nhưỡng không giảm bớt được mối đe dọa hạt nhân rất nghiêm trọng của nước này. Tuyên bố chung sau các cuộc đàm phán giữa hai Bộ trưởng quốc phòng cho biết, các vụ thử tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân hồi tháng 4 và tháng 5 của Triều Tiên rõ ràng là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng bảo an LHQ và những thỏa thuận quốc tế về giải giáp hạt nhân.

Các vi phạm này tạo ra những mối đe dọa trực tiếp và nghiêm trọng tới hòa bình và ổn định không chỉ của Hàn Quốc, khu vực mà cho cả cộng đồng quốc tế. Ngoài những cam kết trên, ông Gates và ông Kim cũng nhất trí phối hợp chặt chẽ trong việc áp dụng 2 nghị quyết trừng phạt của Hội đồng bảo an nhằm ngăn Triều Tiên tham gia vào các hoạt động tên lửa đạn đạo.

Những bình luận cứng rắn trên của Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ được đưa ra trong thời điểm có nhiều dấu hiệu Triều Tiên có thể trở lại bàn đàm phán 6 bên, nếu các cuộc đàm phán trực tiếp với Mỹ thành công.

Nhà đàm phán hạt nhân số 2 của Triều Tiên, ông Ri Gun, đã lên đường tới Mỹ để tham gia một diễn đàn an ninh vào tuần tới tại California và một cuộc thảo luận tại New York. Ông Ri dự định gặp trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Mỹ, ông Sung Kim, để sắp xếp các cuộc đàm phán song phương.

BĂNG CHÂU (Tổng hợp)

;
.
.
.
.
.