.
Obama nhận giải Nobel Hòa bình

Như một lời kêu gọi hành động

.

Trong 205 ứng viên cho giải Nobel Hòa bình 2009, thực sự dư luận khó đoán được rằng ai sẽ là người nhận giải thưởng cao quý này trong năm nay vì chưa có ai thực sự nổi bật nhất trong vai trò người lao động không mệt mỏi cho nền hòa bình thế giới. Và tất nhiên, khi Tổng thống Mỹ B.Obama được trao giải Nobel Hòa bình 2009 không chỉ gây bất ngờ đối với chính bản thân Obama, mà còn đối với người dân Mỹ cũng như trên toàn thế giới.

Obama coi giải Nobel Hòa bình là một lời kêu gọi hành động để đối phó với những thách thức toàn cầu của thế kỷ 21.

Trong 9 tháng cầm quyền, Obama vẫn chưa giải quyết được tình hình xung đột ở Trung Đông và còn đang sa lầy vào cuộc chiến ở Afghanistan. Trong khi đó, tại Mỹ, tỷ lệ  thất nghiệp đang cao nhất trong 26 năm qua. Nhiều người tỏ thái độ hoài nghi vì cho rằng, đây là vị Tổng thống hứa nhiều hơn làm. Theo các nhà quan sát, ông Obama chưa đạt được thành tựu nào đáng kể về chính sách đối ngoại nói chung, cũng như trong nỗ lực giải quyết bế tắc hiện nay giữa Israel và Palestine nói riêng.

Phong trào Hồi giáo Hamas của người Palestine tại dải Gaza cũng cho rằng, ông Obama vẫn còn một chặng đường dài phải hoàn thành, và chưa làm được gì để đóng góp cho hòa bình thế giới. Trong khi đó, người phát ngôn của Taliban khẳng định, Tổng thống Mỹ nên được trao một giải thưởng vì đã làm gia tăng bạo lực và giết hại dân thường.

Mặc dầu chấp nhận giải Nobel Hòa bình mà Ủy ban Nobel Na Uy đã trao cho mình, nhưng Obama coi đây là “một lời kêu gọi hành động” để đối phó với những thách thức toàn cầu của thế kỷ 21. Ông Obama cũng bày tỏ sự ngạc nhiên vì quyết định này của Ủy ban Nobel Na Uy, đồng thời nói: “Thành thực mà nói, tôi cảm thấy tôi không xứng đáng với danh hiệu cao quý này vì có rất nhiều nhà hoạt động còn xứng đáng hơn tôi rất nhiều.

Họ là những người đóng góp không mệt mỏi cho nền hòa bình của toàn thế giới. Nền hòa bình này đạt được không chỉ do những nỗ lực của Mỹ mà còn là nỗ lực của tất cả mọi người trên thế giới. Do vậy, giải thưởng cần được chia sẻ cho những ai đấu tranh cho sự công bằng và nhân phẩm”.

Các thành viên của Ủy ban Nobel Na Uy cho biết, họ lựa chọn ông Obama để trao giải thưởng vì những nỗ lực của ông nhằm giải trừ vũ khí hạt nhân, bảo vệ môi trường và có thiện chí cải thiện quan hệ với thế giới Hồi giáo. Cả Israel và Palestine đều ra tuyên bố hoan nghênh thắng lợi này của ông Obama. Cả hai nước đều coi đây là sự ghi nhận xứng đáng cho nỗ lực của Tổng thống Mỹ đối với tiến trình hòa bình Trung Đông.

Cựu Ngoại trưởng Ai Cập, nguyên là Tổng Thư ký Liên đoàn Arab Esmed Abden Meguit, người đã tham gia các cuộc đàm phán hòa bình Trung Đông nhiều năm nay, cho rằng, việc Giải Nobel Hòa bình 2009 được trao cho ông Obama là một dấu hiệu tích cực đối với an ninh khu vực. Ông Esmed nói: “Tổng thống Mỹ xứng đáng với những gì ông ấy nhận được. Đây là một động thái tích cực góp phần thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau và tăng cường quan hệ giữa Mỹ với các nước khác tại khu vực Trung Đông, trong đó có Ai Cập. Vì vậy, tôi cho rằng, đây là cơ hội tốt để củng cố an ninh khu vực trong tương lai”.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon thì cho rằng: “Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên đa phương mới, một kỷ nguyên  mà tất cả các thách thức nhân loại đối mặt yêu cầu cần có một sự nghiệp toàn cầu chung và nỗ lực chưa từng có của toàn cầu. Tổng thống Obama tiêu biểu cho tinh thần đối thoại mới, tham gia vào những vấn đề lớn nhất của thế giới: như thay đổi khí hậu, giải giáp hạt nhân và hàng loạt thách thức an ninh cũng như hòa bình”.

Ngược lại, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Manouchehr Mottaki phát biểu: “Chúng tôi không có phản đối gì nếu giải thưởng này là một khích lệ để đảo ngược kẻ gây chiến và chính sách đơn phương của chính quyền Mỹ trước và nếu nó khuyến khích một chính sách chỉ dựa trên hòa bình. Thời gian thích hợp để trao một giải thưởng như thế này là khi các lực lượng quân sự nước ngoài rời Iraq cũng như Afghanistan và khi mọi người đứng ra bảo vệ quyền của những người Palestine bị đàn áp”.

Công bằng mà nói, trong một thời gian ngắn lên cầm quyền, Obama đã tạo được tiếng nói mới, sẵn sàng đối thoại để có thể kiến tạo hòa bình trên thế giới. Tuy nhiên, đó mới chỉ dừng lại ở lời nói hơn là hành động. Hy vọng, giải Nobel Hòa bình là một động lực thúc đẩy Obama cố gắng hơn nữa để đối phó với những thách thức toàn cầu hiện nay như lời ông đã phát biểu.

BĂNG CHÂU

;
.
.
.
.
.