.

Ông Biden và chuyến đi “trấn an” đồng minh

.

Sau khi Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố bãi bỏ kế hoạch xây dựng lá chắn tên lửa (NMD) ở châu Âu nhằm tái khởi động lại các mối quan hệ với Nga, ít nhiều đã làm Ba Lan và CH Séc thất vọng. Vì vậy, chuyến công du của Phó Tổng thống Mỹ Biden đến 3 nước Đông Âu gồm Ba Lan, Séc và Rumani trong tuần qua được xem là chuyến đi xây dựng lại niềm tin cho Ba Lan và Séc về một kế hoạch lá chắn tên lửa mới của Mỹ tại khu vực này.

Theo Phó Tổng thống Biden, hệ thống mới sẽ được đặt ở Bắc và Nam Âu với khả năng đối phó với các mối đe dọa trực tiếp từ Iran, sớm hơn gần 7 năm so với kế hoạch thiết lập các hệ thống đánh chặn trên mặt đất đặt tại Ba Lan như trước kia.

Cũng không khó khăn gì cho ông Biden trong việc thuyết phục Ba Lan và Séc tham gia vào NMD mới, bởi hai nước này vốn là thành viên của NATO và là đồng minh của Mỹ. Ông Biden khẳng định, so với kế hoạch NMD của Tổng thống G.Bush, Phó Tổng thống Mỹ Biden khẳng định, NMD mới sẽ hiệu quả hơn và có khả năng bảo vệ phần lãnh thổ châu Âu rộng lớn hơn.

Trước những hứa hẹn của ông Biden trong việc bảo đảm rằng, chính quyền của Tổng thống Obama sẽ không ký bất kỳ thỏa thuận nào với Nga có thể ảnh hưởng tới an ninh của Ba Lan cũng như một số nước Đông Âu khác, Thủ tướng Ba Lan Tusk đã đồng ý sẵn sàng cho Mỹ lắp đặt các thiết bị đánh chặn SM-3 trên lãnh thổ nước này để bắn hạ các tên lửa tầm ngắn và tầm trung.

Trong khi đó tại Prague, Thủ tướng Cộng hòa Séc Jan Fischer cũng tuyên bố, nước này sẵn sàng tham gia kế hoạch phòng thủ tên lửa mới của Mỹ. Ông Fischer một lần nữa khẳng định vai trò thành viên của NATO khi nói rằng: “Là một thành viên NATO, hiểu rõ những cam kết của mình cũng như tiếp tục chính sách đối ngoại trong khu vực, Séc sẵn sàng tham gia vào việc thiết lập cấu trúc mới này”.

Với sự đồng ý của CH Séc, vào đầu tháng 11 tới, một phái đoàn quân sự cấp cao của Mỹ sẽ tới nước này để thảo luận về sự tham gia của Prague đối với kế hoạch phòng thủ tên lửa mới của Washington. Đặc biệt, kế hoạch phòng thủ tên lửa mới của Mỹ cũng đã giành được sự ủng hộ rộng rãi của các nước thành viên NATO tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO diễn ra ở thủ đô Bratislava của Slovakia.

Theo Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen, các Bộ trưởng Quốc phòng NATO đã hoan nghênh kế hoạch NMD mới của Mỹ, đồng thời hy vọng Hội nghị thượng đỉnh NATO, dự kiến diễn ra ở Lisbon (Bồ Đào Nha) vào mùa thu tới có thể đạt được sự thống nhất về việc coi việc thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu là một sứ mệnh của NATO.

Tại Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng NATO, ông Robert Gates cũng đã bày tỏ lập trường của Washington muốn Nga là một bên đối tác trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa, khi khẳng định trạm định vị ở miền Nam nước Nga sẽ là một cơ sở có giá trị lớn trong hệ thống chung bảo vệ châu Âu. Ông Robert Gates cho biết, khác với kế hoạch cũ, NMD mới mà Tổng thống Barack Obama vừa tuyên bố thành lập sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự tham gia của trạm rađa Nga và hệ thống định vị tiên tiến này có thể trở thành một điểm tích cực trong mạng bảo vệ an toàn không gian châu Âu. Ông Gates nhấn mạnh, Mỹ hoan nghênh việc Nga trở thành đối tác trong lĩnh vực này.

Khác với chính quyền tiền nhiệm, những chính sách và hành động cụ thể của ông Obama kể từ khi vào Nhà Trắng nhằm giảm căng thẳng và cải thiện quan hệ với Nga, đã tạo nên mối bất hòa giữa Mỹ và đồng minh Đông Âu.
 
Trong đó nổi bật nhất là việc tuyên bố từ bỏ NMD triển khai tại Ba Lan và CH Séc. Đáng chú ý là Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski đã từng thất vọng khi nói rằng, việc Mỹ từ bỏ NMD tại Ba Lan và CH Séc đã chấm dứt “những ảo tưởng phi thực tế” muốn “Ba Lan trở thành một kiểu mẫu như Israel về quan hệ chiến lược”. Chính vì thế mà sứ mạng được đặt lên vai Phó Tổng thống Biden trong chuyến công du này là làm sao trấn an được rằng Washington không vì cải thiện quan hệ với Nga mà hy sinh lợi ích của các đồng minh Đông Âu.

Vì vậy, đề xuất mới về phòng thủ tên lửa mà ông Biden mang theo có thể được xem là sự “đền bù” của Washington cho Ba Lan và Séc sau khi Mỹ từ bỏ kế hoạch NMD trước đó. Dù Ba Lan và Séc có hài lòng hay không, thì chuyến đi của ông Biden ít nhiều đã thành công khi trấn an được hai nước này rằng đồng minh Đông Âu vẫn có chỗ đứng xứng đáng trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

GIA HUY

;
.
.
.
.
.