Chống chủ nghĩa bảo hộ là một trong những nội dung chính của Hội nghị Bộ trưởng Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 21 đang diễn ra tại Singapore
Các bộ trưởng ngoại giao và kinh tế chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị APEC 2009 (Ảnh: Reuters) |
Các bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng kinh tế các nền kinh tế thành viên APEC ủng hộ quan điểm ngăn chặn chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang đe dọa kìm hãm sự phục hồi kinh tế vốn đã mong manh.
Nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp có mặt tại hội nghị đã tán thành quan điểm này.
Ngoại trưởng Singapore Goerge Yeo cho biết, chủ nghĩa bảo hộ là mối lo lớn, vì vậy chống chủ nghĩa bảo hộ cần phải là nhiệm vụ ưu tiên. Theo ông, các bộ trưởng APEC vẫn cho rằng, khủng hoảng kinh tế chưa kết thúc, các nước trong khu vực cần giải quyết tận gốc cuộc khủng hoảng này.
Mối quan tâm lớn nhất hiện nay là thất nghiệp gia tăng và mức cầu giảm sút có thể làm nảy sinh các hình thức bảo hộ, làm "méo mó" thương mại.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick cho rằng, chủ nghĩa bảo hộ vẫn là nguy cơ lớn vì khu vực châu Á-Thái Bình Dương phụ thuộc nhiều vào hệ thống thương mại và dịch vụ toàn cầu, mỗi khi thất nghiệp tăng thường phát sinh nguy cơ bảo hộ.
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng từng cảnh báo về những gì mà tổ chức này gọi là "sự tàn phá của chủ nghĩa bảo hộ". WTO đã thống kê 150 hành vi bảo hộ trên toàn thế giới kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoàng tài chính toàn cầu.
Trong một báo cáo mới đây, WTO cảnh báo rằng, hàng trăm hành vi bảo hộ đang "manh nha" và nếu hình thành sẽ làm xói mòn các hoạt động thương mại toàn cầu.
TTXVN