Châm ngòi cho căng thẳng quan hệ Thái Lan - Campuchia được bắt đầu từ khi Campuchia tuyên bố bổ nhiệm cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra làm cố vấn riêng của Thủ tướng Hun Sen và là cố vấn kinh tế cho Chính phủ Hoàng gia Campuchia.
Những người buôn bán Campuchia đang bước qua cổng biên giới Campuchia - Thái Lan tại Poipet, tỉnh Bantey Meanchey, cách thủ đô Phnôm Pênh 415 km về phía tây nam hôm 8-11. |
Căng thẳng tiếp tục tăng nhiệt khi tối 5-11, Campuchia tuyên bố tạm thời triệu hồi đại sứ nước này tại Thái Lan, chỉ vài giờ sau khi Thái Lan triệu hồi đại sứ của họ tại Campuchia. Ngay trước đó, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva gọi đây là hành động phản đối đầu tiên của phía Bangkok. Phát biểu với báo giới, ông cho rằng quyết định của Chính phủ Campuchia đưa ra đã ảnh hưởng đến hệ thống tư pháp của Thái Lan. Tiếp theo sau đó, Thái Lan đã tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận khai thác dầu khí với Campuchia và cảnh báo về khả năng hạ cấp quan hệ song phương, nếu Phnôm Pênh tiếp tục ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin làm cố vấn kinh tế của chính phủ.
Theo tuyên bố của Ngoại trưởng Thái Lan Kasit Piromya, Bangkok đã quyết định hủy bỏ bản ghi nhớ liên quan đến hoạt động khai thác dầu khí ký kết năm 2001 với Campuchia - khi ông Thaksin đang làm Thủ tướng. Thỏa thuận này sẽ bị chính thức hủy bỏ vào ngày 10-11 tới. “Thaksin biết chi tiết thương lượng về bản ghi nhớ này.
Chúng tôi không thể thương lượng với ai khác vì nó ảnh hưởng đến kinh tế và an ninh của chúng tôi”, ông Kasit nói với báo giới qua điện thoại từ Nhật Bản, nơi ông tham dự hội nghị cấp cao Nhật Bản-Mê Kông. Trong khi đó, Phó Thủ tướng Thái Lan Suthep Thaugsuban nhấn mạnh đến tranh chấp trên bộ. Ông cảnh báo, nếu Phnôm Pênh kiên quyết không rút lại quyết định bổ nhiệm Thaksin làm cố vấn, Thái Lan sẽ có biện pháp trả đũa, trong đó có hạ thấp quan hệ song phương và đóng cửa biên giới.
Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva cũng cho biết, Bộ Ngoại giao đã được lệnh tiến hành mọi bước thấy cần thiết trong quan hệ với Campuchia “để bảo vệ lợi ích và hệ thống tư pháp của đất nước”. Hiện, cơ quan an ninh nước này đang lên kế hoạch đối phó với những bất ngờ, trong đó có rút bớt nhân viên tại sứ quán và sơ tán công dân khỏi Campuchia trong trường hợp quan hệ với Campuchia căng thẳng hơn.
Các thương gia Thái Lan buôn bán tại Campuchia đã được thông báo vắn tắt về tình hình hiện nay và được yêu cầu giữ liên lạc với sứ quán. Nhưng hiện tại, không ai nghĩ quan hệ ngoại giao hai nước sẽ căng thẳng đến mức dẫn đến một cuộc bạo động chống Thái Lan như đã từng xảy ra hồi tháng 1-2003 - khi sứ quán Thái Lan tại Phnôm Pênh cùng các cơ sở kinh doanh của người Thái ở nước này bị đốt.
Hiện sứ quán Thái Lan tại Phnôm Pênh vẫn được chỉ thị tiếp tục các hoạt động bình thường và không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ có một cuộc biểu tình diễn ra. Tư lệnh Quân khu II của Thái Lan, Trung tướng Weewalit Jorasamrit, cho biết tình hình dọc biên giới khu vực đền Preah Vihear đang tranh chấp vẫn như thường ngày. “Trái với một số tin tức báo chí đã đưa, Campuchia chưa hề có động thái tăng cường quân đội nào. Chúng tôi cũng không tăng số quân ở khu vực này”, ông nói.
Phản ứng của ASEAN: |
BĂNG CHÂU