Mặc dầu cái tên “Cộng đồng Đông Á” mới ở trong giai đoạn phôi thai và đang được Nhật Bản và Trung Quốc bắt đầu đàm phán xây dựng, nhưng động thái trên đã khiến cả thế giới bất ngờ bởi hai nước này từng là thù địch kể từ khi Nhật Bản xâm chiếm Trung Quốc hơn một thế kỷ về trước. Đặc biệt, ý tưởng tạo ra một “Cộng đồng Đông Á”, giống như kiểu Liên minh châu Âu, có thể khiến họ trở thành một thế lực lớn trên thế giới.
Các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc trong một cuộc họp cấp cao ba bên tại Bắc Kinh thúc đẩy tăng cường hợp tác giữa ba nước hôm 10-10. |
Theo Zhou Yongsheng, giáo sư Đại học Ngoại giao Trung Quốc chuyên nghiên cứu về Nhật Bản, thực sự ban đầu Nhật Bản không quan tâm tới kế hoạch này, nhưng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nước này đã nhận ra rằng động lực của nền kinh tế nằm ở Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi trong khu vực.
Một liên minh kinh tế Đông Á có thể có tầm ảnh hưởng còn lớn hơn khi Nhật Bản đang là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, còn Trung Quốc đứng ở vị trí thứ ba, mặc dù vị trí này có thể sẽ hoán đổi cho nhau trong vài năm tới. Robert Dujarric, Giám đốc Viện Nghiên cứu đương đại tại Đại học Temple của Nhật Bản, nói: “Tôi nghĩ Nhật Bản đang cố gắng cải thiện quan hệ với Trung Quốc, chứng tỏ quyết tâm lãnh đạo Nhật mong muốn hợp tác, cũng như cải thiện quan hệ kinh tế và giải quyết những vấn đề lãnh thổ đang tồn tại”.
Kể từ sau khi đảng Dân chủ Nhật Bản thắng cử ngày 30-8, những nỗ lực của tân Thủ tướng Yukio Hatoyama nhằm xây dựng quan hệ mới với các nước láng giềng ở châu Á của Nhật Bản - trước đây liên tục bị cản trở bởi Chính phủ cánh hữu tiền nhiệm - đang được coi là một dấu hiệu cho thấy chính quyền Nhật đang quay lưng lại với đồng minh Washington.
Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN và Trung Quốc ở Thái Lan hôm 24-10. |
|
Xét về lợi ích kinh tế, với nỗ lực thể chế hóa sự phụ thuộc lẫn nhau gia tăng giữa các quốc gia châu Á, điều này sẽ không chỉ củng cố lợi ích của các quốc gia châu Á, mà còn cả những nước khác nữa. Cụ thể, một cộng đồng Đông Á liên kết lại sẽ làm tăng hiệu quả đầu tư của Mỹ và châu Âu trong khu vực, bởi khi đó sẽ có những quy định và thủ tục thống nhất tại đây giúp hạn chế rủi ro. Tương tự, các biện pháp hội nhập sẽ cho phép các thị trường Trung Quốc và châu Á khác trở nên rộng mở hơn với đầu tư nước ngoài.
Xét về hiệu quả chính trị, một cộng đồng Đông Á sẽ tạo cơ hội cho các quốc gia chủ động hội nhập sâu hơn vào chính trị quốc tế. Vai trò chính của cộng đồng Đông Á sẽ là chất xúc tác cho sự chuyển đổi của Trung Quốc với tư cách là một cường quốc sang một đối tác có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Nó sẽ giúp các dân tộc châu Á khác - chẳng hạn Nhật Bản và Hàn Quốc - từ bỏ thái độ hẹp hòi và thúc đẩy một tầm nhìn mang tính khu vực và quốc tế hơn.
Đặc biệt từ quan điểm toàn cầu, với sức mạnh ngày càng lớn, các quốc gia châu Á đang ở vị trí phải chung vai gánh vác trách nhiệm và tạo ra nhiều đóng góp hơn với quá trình giải quyết các vấn đề toàn cầu như môi trường, dịch bệnh, buôn bán thuốc phiện và tội phạm quốc tế trong giai đoạn mà sự cộng tác khu vực và toàn cầu ngày càng cần thiết. Một cộng đồng Đông Á sẽ đóng một vai trò to lớn khi thấm nhuần trách nhiệm và sẽ dẫn dắt châu Á cùng tham gia giải quyết các vấn đề quốc tế.
Gia Huy