Sau hơn 8 năm, cuộc chiến do Mỹ cầm đầu ở Iraq vẫn còn gây nhiều tranh cãi không chỉ trong nội bộ nước Mỹ mà còn trong dư luận nước Anh-một đồng minh thân cận có mối quan hệ đặc biệt với Mỹ. Ngay giữa lúc các bộ trưởng trong Chính phủ Anh đang gặp khó khăn trong việc thuyết phục người dân tiếp tục ủng hộ sứ mệnh của mình ở Afghanistan do con số thương vong ngày một tăng cao, thì tuần này, Ủy ban điều tra độc lập của Anh tiếp tục mở phiên điều trần về vai trò của Anh trong cuộc chiến Iraq và dự kiến kéo dài đến tháng 8-2010. Dù không phải là tòa án và kết quả điều trần sẽ không kết tội hoặc chỉ trích bất cứ cá nhân nào nhưng Ủy ban điều trần có thể phán xử về tính hợp pháp của cuộc chiến.
Các binh lính Anh sẽ còn đối mặt với cái chết khi bạo lực ngày càng gia tăng ở Iraq. |
Tiêu điểm của phiên điều trần là các cuộc chất vấn ông Tony Blair và một số thành viên Công đảng cầm quyền, dự kiến diễn ra vào đầu năm tới. Đồng thời với cuộc điều trần, ủy ban này cũng sẽ điều tra việc Mỹ và Anh lấy cớ chính quyền cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt để tấn công Iraq, song đến nay vẫn chưa tìm thấy dấu vết loại vũ khí này. Cuộc điều trần hy vọng sẽ xác lập được đầy đủ các dữ kiện đã dẫn đến quyết định đưa nước Anh tham gia cuộc tiến quân vào Iraq năm 2003 và tiếp theo là quá trình đóng quân tại đó.
Thân nhân của những người bị thiệt mạng tại Iraq và những người phản đối cuộc chiến từ lâu đã kêu gọi mở cuộc điều trần này. Họ tranh luận rằng, Chính phủ đã sử dụng những tin tình báo bị “bóp méo”, chẳng hạn như tin cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein sở hữu vũ khí giết người hàng loạt, để biện minh cho quyết định đưa quân vào Iraq.
Tháng 6 vừa qua, đương kim Thủ tướng Anh Gordon Brown đã quyết định mở cuộc điều tra về vai trò của Anh trong cuộc chiến Iraq khi dư luận Anh và những người phản đối chiến tranh yêu cầu điều tra xác định những nguyên nhân đã thúc đẩy Chính phủ Anh lúc đó, do ông Blair đứng đầu, quyết định đưa 46.000 binh lính tham gia cuộc chiến ở Iraq. Những người phản đối chiến tranh ở Anh cho rằng, quyết định của ông Blair là một “sai lầm” và điều này đã dẫn đến nhiều cuộc biểu tình, tuần hành phản đối của người dân khi đó để phản đối chiến tranh và sự tham gia của Anh trong cuộc chiến này.
Ngay một ngày trước khi cuộc điều tra độc lập của Anh về cuộc chiến tranh Iraq được tiến hành, một tài liệu mật của Chính phủ Anh về tình trạng thù địch nghiêm trọng giữa các chỉ huy quân đội cấp cao của Anh ở Iraq đối với các đồng minh Mỹ cũng bắt đầu được hé lộ. Tài liệu này cho thấy phần nào bản chất cuộc chiến Iraq khi liên quân Anh – Mỹ dường như không hợp tác chặt chẽ. Tham mưu trưởng Quân đội Anh ở Iraq, J.K.Tanner, đã miêu tả những người đồng cấp quân đội Mỹ là “một nhóm những người trên sao Hỏa”.
Tài liệu viết: “Cho dù mối quan hệ được gọi là đặc biệt giữa Mỹ và Anh, tôi cho là chúng ta đang bị đối xử không khác gì những người Bồ Đào Nha”. Theo tài liệu này, chỉ huy của ông Tanner, Tư lệnh hàng đầu của quân đội Anh tại Iraq là Tướng Andrew Stewart đã phải phí phần lớn thời gian quan trọng của mình “để lảng tránh và từ chối những mệnh lệnh từ những sĩ quan cao cấp Mỹ”. Ít nhất là một lần, việc từ chối mệnh lệnh của Tướng Stewart đã khiến Đại sứ Anh tại Washington là ông David Manning bị Bộ Ngoại giao Mỹ triệu tập để khiển trách.
Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair sẽ phải trả lời các câu hỏi của Ủy ban điều tra độc lập trong các phiên điều trần. |
|
Trong tài liệu, các tư lệnh hàng đầu của Anh còn giận dữ miêu tả họ thậm chí còn không được thông báo về những thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ, trong khi những thay đổi này có liên quan lớn đến họ và binh sĩ của họ.
Tổng thống Mỹ Obama từng nhận định rằng, “chiến thắng” trong cuộc chiến Iraq vẫn còn nằm ngoài tầm với bởi bạo lực sẽ tiếp tục là một phần đời sống ở Iraq và nhiều người Iraq tiếp tục phải di tản hoặc sống trong nghèo đói. Do vậy, nước Anh – một đồng minh thân cận nhất của Mỹ - vẫn chưa thể kết thúc vai trò của mình tại đây khi mà vẫn còn có quá nhiều câu hỏi chính trị cơ bản về tương lai của Iraq chưa có lời đáp, trong khi đó, định nghĩa về một “chiến thắng” của người Mỹ ở Iraq đến nay vẫn không giống nhau.
GIA HUY