.
Hiệp ước Lisbon

Nâng cao vị thế quốc tế của EU

.

Sau khi Tổng thống Cộng hòa Séc Vaclav Klaus ký vào Hiệp ước Lisbon của Liên minh châu Âu (EU) - bước cuối cùng dẫn tới việc thông qua Hiến chương châu Âu, sẽ mở đường cho việc đưa ra quyết định ở EU được thuận lợi hơn và tạo cho khối này một ảnh hưởng lớn hơn trong các vấn đề quốc tế.

Tổng thống Vaclav Klaus ký vào Hiệp ước Lisbon của Liên minh châu Âu (EU) mở đường cho tất cả các nước thành viên EU phê chuẩn văn bản quan trọng này trước khi nó được thực thi.

Phát biểu tại Washington trước thềm hội nghị cấp cao EU-Mỹ, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso tỏ ra hào hứng trước việc loại bỏ “rào cản cuối cùng” tới việc thông qua hiệp ước khi nói rằng: Tôi nghĩ, vị thế quốc tế mới của Liên minh châu Âu sẽ được cảm nhận ngay lập tức.

Theo các nhà phân tích, việc thông qua hiệp ước trên sẽ cho phép EU vận hành một cách hiệu quả hơn. Nhược điểm của hệ thống cho tới nay là các nước thay nhau làm chủ tịch và trên thực tế thì thường là các Thủ tướng những quốc gia thành viên lãnh đạo EU trong vòng 6 tháng một lần. Điều này khiến công việc đối ngoại rất phức tạp khi các nước bên ngoài cứ vài tháng lại phải làm quen với cách làm việc của một quốc gia chủ tịch.
 
Các nước nhỏ với bộ máy ngoại giao ít người cũng phải đảm đương việc điều hành rất lớn. Tổng thống Klaus đã ký vào bản hiệp ước sau khi Tòa án Hiến pháp Cộng hòa Séc từ chối những khiếu nại đối với hiệp ước, và đưa ra kết luận rằng nó hoàn toàn phù hợp với hiến pháp Séc. Ông Klaus tuyên bố sẽ không cản trở hiệp ước nữa, sau khi nhận được lời cam kết sẽ có được quyền rút khỏi Hiến chương EU về những quyền cơ bản. Theo ông Klaus, quyền này là cần thiết để tránh những tuyên bố về tài sản từ nhóm sắc tộc người Đức bị trục xuất sau chiến tranh thế giới thứ hai.

Hiệp ước Lisbon bắt đầu có hiệu lực vào 1-12-2009 với những ưu điểm sau:

* EU sẽ không còn chọn cách lãnh đạo luân phiên mà đặt ra chức Chủ tịch EU mới, người sẽ có nhiệm kỳ hai năm rưỡi; và một người đứng đầu chính sách đối ngoại mới hay còn gọi là Bộ trưởng Ngoại giao của khối.

* Hiệp ước cũng sẽ thay đổi cơ chế bỏ phiếu, với việc quyền phủ quyết quốc gia trở thành một ngoại lệ hơn là quy định trong hầu hết các lĩnh vực chính sách. Nó cũng cho phép bất kể nước thành viên nào đều có quyền quyết định rời khỏi EU.

Hiệp ước Lisbon thay thế bản hiến pháp dự thảo trước đó đã bị bác bỏ trong cuộc trưng cầu dân ý ở Pháp và Hà Lan năm 2005. Hiệp ước ban đầu bị từ chối trong cuộc trưng cầu dân ý ở Ireland trước khi được thông qua trong lần thứ hai hồi tháng trước.

Hiệp ước Lisbon được đưa ra nhằm tinh giản hóa quá trình ra quyết định trong khối EU gồm 27 thành viên. Ông Klaus trước đây là người hoài nghi về kế hoạch cải tổ này và từng từ chối không chịu ký vì quan ngại về chủ quyền của Cộng hòa Séc. Nhưng cuối cùng ông Klaus đã ký, sau khi Tòa án Hiến pháp Cộng hòa Séc bác bỏ một khiếu nại về Hiệp ước Lisbon từ phía các chính trị gia Séc phản đối văn bản này.

Như vậy, sau động tác cuối cùng của Tổng thống Cộng hòa Séc Vaclav Klaus, chỉ trong vài tuần nữa, văn bản quan trọng này sẽ được toàn bộ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) phê chuẩn để bắt đầu một tiến trình cải tổ sâu rộng, nâng cao uy tín của mình trên trường quốc tế.           

GIA HUY

;
.
.
.
.
.