.
Hội nghị thượng đỉnh lương thực thế giới:

Người thiện chí, kẻ dửng dưng

.

Hội nghị thượng đỉnh lương thực thế giới (từ 16 đến 18-11) diễn ra tại Italia năm nay có sự khác biệt so với mọi năm là sự hô hào đồng lòng chung sức giải quyết nạn đói của hơn 1/6 dân số thế giới bằng hành động cụ thể là mỗi người nhịn ăn một ngày trước thềm diễn ra hội nghị. Hành động này với mong mỏi kêu gọi những người có thiện chí và lòng nhân ái ở khắp nơi trên thế giới tham gia cuộc tuyệt thực này để bày tỏ tình đoàn kết với hàng triệu người bị đói kinh niên trên thế giới.
 

Trẻ em Haiti đang dùng bữa trưa do Tổ chức FAO cung cấp hôm 12-11.

Điều đặc biệt cảm động hơn là ngay cả Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon phát biểu trước hội nghị giữa lúc ông đang nhịn ăn để hưởng ứng cuộc tuyệt thực do Tổng Giám đốc Tổ chức Lương-Nông LHQ (FAO) Jacques Diouf phát động. Thông báo của FAO cho biết, ông Diouf bắt đầu tuyệt thực từ tối 14-11, nhịn đói rồi đi ngủ trên tấm nệm trải tạm trong trụ sở của FAO ở thủ đô Rome của Italia. Ông Diouf cho rằng, những hành động như vậy sẽ nâng cao nhận thức và gia tăng sức ép từ công luận nhằm thúc giục những người có thể làm thay đổi cuộc sống của những người bị đói, sẽ hành động nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, hầu hết lãnh đạo các nước G8 (trừ Thủ tướng nước chủ nhà Silvio Berlusconi) – những nước hứa hẹn sẽ viện trợ 20 tỷ USD trong vòng ba năm cho nông nghiệp – đã vắng mặt tại hội nghị làm nhiều nhà quan sát bất mãn. Các tổ chức phi chính phủ chỉ trích, đây là một cách thể hiện chính sách đối xử với nghèo đói của các nước giàu và cũng là cách gián tiếp đẩy trách nhiệm giải quyết vấn đề an ninh lương thực sang người khác. Kết quả là hội nghị không thể đề ra các biện pháp căn bản giải quyết nạn đói và bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.

FAO triệu tập hội nghị trong bối cảnh tình trạng bất ổn về lương thực trên thế giới ngày càng nghiêm trọng, trong khi giá lương thực và thực phẩm ngày càng cao ở các nước đang phát triển làm cho số người bị đói không ngừng tăng trong những năm qua. Thêm vào đó, suy thoái kinh tế thế giới tiếp tục ảnh hưởng đến việc làm của người lao động, khiến tình trạng nghèo đói càng thêm nghiêm trọng.

Theo Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, cuộc khủng hoảng lương thực ngày hôm nay là lời cảnh báo cho mai sau. Đến năm 2050, thế giới sẽ có 9,1 tỷ người, nghĩa là loài người cần có thêm 70% sản lượng lương thực so với hiện nay. Trong khi đó, theo ước tính của FAO, số người bị đói trên thế giới trong năm 2009 có thể tăng thêm 100 triệu người, nâng tổng số người bị đói lên hơn 1 tỷ.

Tại hội nghị, ông Ban Ki-moon hối thúc các nhà lãnh đạo thế giới thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm chấm dứt ngay lập tức nạn đói đang tác động đến hơn 1/6 dân số thế giới, và đi đến một thỏa thuận toàn cầu mới về chống biến đổi khí hậu đúng thời hạn vào tháng 12 tới. Tổng thống Libya Gadhafi cũng kêu gọi các nước giàu chấm dứt việc mua đất nông nghiệp của châu Phi.
 

Các nhà lãnh đạo thế giới bên lề hội nghị an ninh lương thực thế giới diễn ra tại Italia.

 

Các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị đã đề ra 5 nguyên tắc bảo đảm an ninh lương thực, đáng chú ý là phương pháp tiếp cận theo hai hướng, gồm: hành động trực tiếp giúp những nước bị tác động nặng nề nhất, và các chương trình trung và dài hạn có thể duy trì được để loại bỏ tận gốc nạn đói.

Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau khi khai mạc, hội nghị đã thông qua tuyên bố chung với những hứa hẹn, cam kết chung chung mà không vạch ra được kế hoạch hành động cụ thể nào. Tổng Giám đốc FAO Jacques Diouf đã rất thất vọng khi nói rằng: “Tôi đã nghĩ hội nghị sẽ thống nhất một mục tiêu loại trừ hoàn toàn nạn đói toàn cầu, có thể trong vòng bốn, năm năm nữa hoặc có thể lâu hơn chứ không hề nghĩ vấn đề này sẽ bị bỏ lơ như thế”.

Do không có sự tham gia của lãnh đạo nhiều nước phát triển, hội nghị đã không đưa ra được mục tiêu và thời gian biểu cụ thể trong việc tăng hỗ trợ nông nghiệp cho các nước nghèo, cho dù FAO đề nghị mức hỗ trợ này là 44 tỷ USD/năm. Các tổ chức phi chính phủ đã chỉ trích tuyên bố chung của hội nghị là vô giá trị, vô trách nhiệm và tuyên bố thẳng thừng hội nghị đã hoàn toàn thất bại.

Việt Nam chống đói nghèo thành công

FAO cho rằng Việt Nam là một trong những nước đã thành công trong cuộc chiến chống lại tình trạng đói nghèo hiện ảnh hưởng đến hơn 1 tỷ người trên toàn thế giới. Báo cáo mang tên “Những đường mòn đến thành công” mà FAO công bố trước hội nghị cấp cao về an ninh lương thực thế giới diễn ra ở Roma (Italia) cho thấy tiến trình mà một số nước đã tiến hành để đạt được mục tiêu giảm một nửa số người nghèo vào năm 2015.

Báo cáo vạch ra 4 nhân tố chung đóng góp cho thành công ở những nước như Việt Nam, Armenia, Brazil và Nigeria là: tạo môi trường thích hợp khuyến khích tăng trưởng kinh tế và phúc lợi cá nhân; đầu tư vào khu vực nông thôn nghèo và đến những vùng dễ bị ảnh hưởng của tình trạng nghèo đói nhất; bảo đảm những thành tựu này được duy trì và được bảo vệ trước mọi đe dọa; lập kế hoạch cho tương lai.


GIA HUY

 

 

;
.
.
.
.
.