Cuối cùng thì Tổng thống bị lật đổ Manuel Zelaya và nhà lãnh đạo lâm thời Roberto Micheletti cũng bắt tay nhau để đi đến một thỏa hiệp, sau khi hai bên đồng ý thành lập một Chính phủ chia sẻ quyền lực vào ngày 5-11 và hứa không ra tranh cử trong cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 29-11 tới. Thỏa hiệp này sẽ mở đường phục chức cho ông Zelaya và khai thông cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài nhiều tháng qua ở quốc gia Trung Mỹ này.
Ông Zelaya có thể sẽ được phục chức trở lại nắm quyền Tổng thống đến hết nhiệm kỳ. |
Tuy nhiên, Quốc hội Honduras còn cần có sự cho phép của Tòa án tối cao để có thể biểu quyết về việc có để cho ông Zelaya trở lại nắm quyền Tổng thống đến hết nhiệm kỳ (khoảng 3 tháng) hay không. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã gọi đây là thỏa thuận “mang tính lịch sử”. Trong khi đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon tỏ ý hy vọng, Honduras giờ đây sẽ trên đường phục hồi dân chủ và hiến pháp.
Mặc dầu nội dung bản thỏa thuận chưa được công bố, nhưng đã được tất cả các bên nhất trí coi đây là giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài ở Honduras vốn đã gây chia rẽ sâu sắc trong nước và khiến quốc tế áp đặt nhiều lệnh trừng phạt.
Ông Roberto Micheletti phấn khởi thông báo trên truyền hình: “Tôi vui mừng thông báo rằng, tôi đã ủy quyền cho nhóm đàm phán của tôi ký một thỏa thuận cuối cùng đánh dấu khởi đầu cho sự chấm dứt bất ổn chính trị trong nước”. Thỏa thuận có vẻ như đã “làm mềm mại” quan điểm trước đó của ông Micheletti rằng, Tòa án tối cao sẽ quyết định vấn đề này, mặc dù trước đó Tòa án tối cao đã từ chối phục chức cho ông Zelaya. Thay vào đó, tòa án sẽ đưa ra đề nghị và Quốc hội sẽ bỏ phiếu để đưa ra quyết định cuối cùng.
Thỏa thuận cũng sẽ tạo ra một chính phủ chia sẻ quyền lực và yêu cầu cả hai bên công nhận cuộc bầu cử ngày 29-11 tới. Trước những đe dọa của cộng đồng quốc tế về việc không công nhận cuộc bầu cử nếu ông Zelaya không được phục chức, Thư ký phụ trách các vấn đề chính trị của Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) Victor Rico cho biết, cả OAS và Mỹ “sẽ giúp đỡ Honduras trong cuộc bầu cử”, thể theo thỏa thuận đã ký.
Ông Zelaya cũng ca ngợi thỏa thuận, mặc dù chưa rõ liệu ông có cơ hội giành được sự ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu ở Quốc hội hay không. Ông nói: “Chúng tôi rất lạc quan, bởi người Honduras có thể đạt được thỏa thuận. Điều này có nghĩa là tôi sẽ trở lại nắm quyền trong vài ngày tới và nghĩa là hòa bình cho Honduras”.
Không chỉ người Hunduras cảm thấy vui mừng vì cuộc hủng hoảng chính trị đã được khai thông, mà việc đạt được thỏa thuận trên còn là một chiến thắng ngoài mong đợi trong chính sách ngoại giao của Mỹ sau khi chính quyền Obama cử một phái đoàn ngoại giao cấp cao tới Honduras thuyết phục hai bên trở lại bàn đàm phán.
Trong khi đó, Tổng thống lâm thời Micheletti gọi thỏa thuận là “một nhượng bộ quan trọng” của ông. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng, một trong những điều khoản của thỏa thuận yêu cầu các cường quốc nước ngoài phải xóa bỏ lệnh trừng phạt, phục hồi viện trợ bị cắt sau khi xảy ra đảo chính và cử quan sát viên tới giám sát cuộc bầu cử sắp tới diễn ra công bằng.
GIA HUY