.

Nghi phạm vụ thảm sát ở Philippines đầu thú

.

Giới chức Philippines vừa tiết lộ, nghi phạm trong vụ thảm sát  kinh hoàng ở miền nam nước này đã tự giao nộp mình. Theo Trung tướng quân đội Raymundo Ferrer, Andal Ampatuan Jr. đã tự giao nộp mình cho cố vấn hòa bình của Tổng thống, ông Jesus Dureza, tại thủ phủ tỉnh Maguindanao.

Nghi phạm Andal Ampatuan Jr. (phải) đã tự giao nộp mình cho các nhà chức trách.

Andal Ampatuan Jr. là thị trưởng, bị cáo buộc đã cùng 4 cảnh sát trưởng và hàng chục sĩ quan cảnh sát, dân quân chặn đoàn xe đi đăng ký ứng cử cho ông Mangudadatu mà sau đó, vụ thảm sát đã xảy ra. Cũng theo Trung tướng Ferrer, Andal Ampatuan Jr. đã được đưa lên một chiếc trực thăng quân sự tới một thành phố lân cận, từ đó sẽ bay tới thủ đô Manila để trả lời các nhà điều tra. “Gia đình (Ampatuan) đã tự nguyện giao nộp ông ta và họ cũng nhất trí để ông ta bị điều tra”.

Tuy nhiên, trước báo giới, ông Andal Ampatuan Jr. hôm 26-11 đã khẳng định mình vô tội và không biết ai đã đứng đằng sau vụ thảm sát này. Hiện nay, đã có 300 cảnh sát và dân quân được điều động tham gia vào việc canh giữ ông Andal Ampatuan Jr. và hơn 1.000 binh lính được cử tới tỉnh Maguindanao để lập lại trật tự.

Tính đến ngày 26-11, cảnh sát nước này đã tìm thấy ít nhất 57 thi thể nạn nhân của vụ thảm sát ở tỉnh Maguindanao gồm có vợ, người thân, hàng chục phóng viên và người ủng hộ cho ứng cử viên Mangudadatu. Ứng cử viên Mangudadatu muốn “cạnh tranh” với Andal Ampatuan Jr. thuộc dòng họ Ampatuan quyền lực đã nắm quyền ở tỉnh này suốt 8 năm qua.

Trước đó, hôm 25-11, cảnh sát đã xác định kẻ tình nghi chính trong vụ tấn công là Andal Ampatuan Jr. Tuy nhiên, bà Amina Rasul - Giám đốc Hội đồng Hồi giáo và Dân chủ Philippines - cho biết, các nhà chức trách sẽ gặp khó khăn khi vào lãnh địa của Ampatuan, chứ chưa kể đến việc bắt một thành viên của gia đình này.

Ngoài ra, bà cho biết, rất ít người sẽ có đủ can đảm đứng ra làm chứng chống lại gia đình Ampatuan, và nếu không tìm ra được bằng chứng trực tiếp thì cuộc điều tra sẽ thất bại, như nhiều vụ bạo động chính trị khác ở Philippines. Quân đội nước này cũng cho biết, họ đã giải giáp vũ khí của khoảng 200 người trong tỉnh.

Theo lời kể của một số nhân chứng, sau khi nhận được những lời đe dọa bị giết, ứng cử viên Mangudadatu đã cử vợ và người thân đi nộp giấy tờ ứng cử thay mình. Đoàn xe của những người thuộc ứng cử viên Mangudadatu đã bị hàng chục tay súng trung thành với gia đình Ampatuan chặn lại, trong đó có 4 chỉ huy cảnh sát. Hiện, 4 chỉ huy, bao gồm cả cảnh sát trưởng tỉnh Maguindanao, đã bị ngưng chức vụ và bị quản thúc trong thời gian điều tra.

Tổng thống Philippines Arroyo cam kết sẽ đem lại công lý cho các nạn nhân và tuyên bố một ngày quốc tang. Trước đó, bà Arroyo đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở tỉnh Maguindanao và tỉnh Sultan Kudarat lân cận, đồng thời phái thêm quân tới khu vực này. Quân đội đã thiết lập các trạm kiểm soát để ngăn chặn các vụ tuồn lậu vũ khí và tiếp tục truy lùng thêm các thủ phạm.

Thế giới phẫn nộ trước vụ thảm sát ở Philippines

LHQ:  “Tổng Thư ký chân thành gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân và hy vọng rằng nỗ lực tối đa sẽ được thực hiện để đưa những kẻ giết người ra trước pháp luật”, trích thông báo từ Văn phòng của ông Ban Ki-moon.

Mỹ: Đại sứ Mỹ Kristie Kenney tại Manila nói: “Những hành động man rợ như vậy vi phạm các nguyên tắc cơ bản nhất về nhân quyền và dân chủ. Chúng tôi thực sự tin rằng, một cuộc điều tra toàn diện, nhanh chóng và minh bạch phải được thực hiện, và những kẻ chịu trách nhiệm phải ra trước công lý”.

EU: Ủy viên châu Âu phụ trách quan hệ đối ngoại, Benita Ferrero-Waldner, bày tỏ sự phẫn nộ: “Với những từ ngữ mạnh nhất có thể, tôi lên án vụ giết hại những người vô tội, trong đó có phụ nữ, nhà báo và luật sư”.

Trung Quốc: Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Qin Gang cho biết: “Chúng tôi rất sốc trước vụ việc. Chúng tôi phản đối kịch liệt và chân thành chia buồn với gia đình các nạn nhân”.


GIA HUY

;
.
.
.
.
.