Bản báo cáo mới nhất của Quỹ công lý vì môi trường (EJF) cho biết sẽ có tới 150 triệu người trở thành “tị nạn khí hậu” khi phải chuyển chỗ ở tới quốc gia khác trong vòng 40 năm nữa. Chỉ tính riêng trong năm 2008 đã có 20 triệu người phải chịu cảnh mất nhà cửa vì thảm họa môi trường, trong đó có 800 nghìn người từ vụ lốc xoáy Nargis ở châu Á và 80 nghìn người do lụt lội ở Brazil.
Người dân châu Á tị nạn sau cơn lốc xoáy Nargis. |
Buổi diễn thuyết của Nasheed về biến đổi khí hậu thực sự lôi cuốn khi ông lên tiếng thuyết phục các quốc gia hãy siết tay nhau đừng để nhiệt độ tăng lên thêm 2oC nữa. “Chúng ta sẽ chẳng còn gì khi nhiệt độ tăng thêm 2oC. Chúng ta chỉ ở trên mực nước biển có 1,5m và nguy cơ nước biển “liếm” chân chúng ta đang ngày càng tăng cao. Bài học nhãn tiền là đã có quá nhiều người phải di dời nhà cửa, trong khi tất cả chúng ta đều có quyền sống”, ông Nasheed nói. Ai cũng còn nhớ Tổng thống Nasheed hồi tháng trước đã tổ chức cuộc họp nội các ở dưới nước để gây sự chú ý cho mọi người về ý thức môi trường.
EJF cảnh báo có thể có từ 500 tới 600 triệu người, chiếm 10% dân số thế giới chịu cảnh mất nhà cửa vì biến đổi khí hậu. Cứ mỗi năm số người trở thành “tị nạn môi trường” sẽ nhiều hơn bởi họ muốn tìm một nơi ở an toàn hơn, lâu dài hơn. Nếu chỉ di cư trong mỗi quốc gia đã là một vấn đề đau đầu thì việc chuyển đến nước khác là một vấn đề phức tạp hơn nhiều.
Về lâu dài, những thay đổi khí hậu sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, bao gồm cả hiện tượng sa mạc hóa và nước biển dâng cao. Nó sẽ đe dọa thực sự tới những vùng vốn đã nằm thấp hơn mức nước biển và những hòn đảo nhỏ. Nhiều chuyên gia về môi trường cho biết là rất có thể sẽ có nhiều “vùng đất ma quái” do nó ngập sâu dưới nước biển. Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của LHQ dự đoán nước biển sẽ tăng từ 18 tới 59 cm trong thế kỷ 21. Gần 1/3 các quốc gia ven biển sẽ chịu cảnh mất 10% diện tích đất vì ngập sâu trong 5m nước biển.
Những nước như Tuvalu, Fiji, đảo Solomon…sẽ mất đáng kể diện tích đất trong vòng 50 năm tới. Những nước như Banladesh, Kenya, Papua New Guinea, Somalia…chứng kiến cảnh di dân hàng loạt vì hiện tại họ đã hứng chịu thiên tai liên tục. Chủ tịch EJF, Steve Trent kêu gọi: “Tất cả chúng ta hãy hành động ngay lập tức để giảm thiểu tác hại môi trường, chúng ta cũng phải nhận ra rằng sự cần thiết phải giang tay bảo vệ những gì đang bị hủy hoại trước nguy cơ nó thực sự biến mất. Đó là thử thách thực sự lớn cho thế giới…
Anh Thư