.
Obama công du châu Á

Hành trình lấy lại lòng tin

.

Hôm nay (13-11), Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ bắt đầu thực hiện chuyến công du châu Á một tuần, với 4 chặng dừng chân gồm Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Ông Obama đang chịu áp lực trước sứ mệnh nặng nề trong chuyến công du châu Á của mình.

Chuyến công du diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế Mỹ vẫn gặp khó khăn do khủng hoảng kinh tế-tài chính, thâm hụt ngân sách đạt mức kỷ lục, các bước cải cách trong nước cũng như chính sách đối ngoại được triển khai chậm chạp, chiến lược ở Afghanistan còn bế tắc và cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu chưa mang lại hiệu quả.

Trong khi đó, khu vực châu Á đang thay đổi nhanh chóng cùng với sự gia tăng ảnh hưởng mạnh mẽ của Trung Quốc và những dấu hiệu rạn nứt của quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật. Chính vì thế, chuyến công du lần này của ông Obama được dư luận xem như một minh chứng về sự coi trọng châu Á, đặc biệt là Đông Á, trong chính sách đối ngoại của Mỹ, cũng như củng cố lòng tin đối với khu vực này.

Ngay sau khi nắm quyền, Thủ tướng mới của Nhật Bản đã đề cập tới việc thành lập một khối thương mại Đông Á mới với Trung Quốc - và không có sự hiện diện của Mỹ. Những gì mà Washington nhận lấy là một sự “lạnh nhạt” từ quốc gia từng là “hòn đá tảng” trong chính sách ngoại giao của Mỹ ở châu Á trong nhiều thập niên.

Thậm chí hơn thế nữa, cách diễn đạt mới của Tokyo như thể nhấn mạnh việc Trung Quốc nhanh chóng gia tăng sức mạnh đang là thách thức vị thế chi phối của Mỹ trong khu vực. Đây thực sự là điều Tổng thống Mỹ Barack Obama đối mặt khi ông rời Washington cho chuyến công du châu Á đầu tiên. Obama sẽ thấy một khu vực phát triển nhanh chóng trong nửa thế kỷ Mỹ chiếm thế chi phối và đặt vấn đề về sự liên quan của Mỹ với tương lai châu lục.
 
Chính sách cơ bản đối với châu Á của chính quyền Obama hiện nay là ưu tiên củng cố quan hệ với các đồng minh truyền thống, tiếp cận với Trung Quốc, tiếp xúc với CHDCND Triều Tiên, kiên trì chủ trương phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, tích cực tiếp xúc với các nước Đông Nam Á. Trong bài phát biểu về chính sách của Mỹ dự kiến đọc tại Tokyo, ông Obama sẽ nhấn mạnh quyết tâm xây dựng một mối quan hệ vững mạnh hơn về kinh tế, chính trị và chiến lược với tất cả các nước trong khu vực.

Tại chặng dừng chân đầu tiên ở Nhật Bản, mục tiêu chính của ông Obama là củng cố quan hệ đồng minh truyền thống, đặc biệt vào thời điểm tân Thủ tướng Yukio Hatoyama đang tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc của Nhật Bản vào Mỹ với các bước đi như chấm dứt sứ mệnh tiếp nhiên liệu ở Ấn Độ Dương, xem xét lại sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Nhật Bản và dự định chuyển căn cứ quân sự Futenma ra khỏi Okinawa.
 
Tại Singapore, Tổng thống Obama sẽ tham dự hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và hội nghị lần đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo Mỹ-ASEAN. Hiện Mỹ vẫn là thị trường quan trọng nhất đối với hàng hóa xuất khẩu của các nước châu Á-Thái Bình Dương. Và đương nhiên, Mỹ không thể không quan tâm tới một ASEAN ngày càng năng động. Hội nghị các nhà lãnh đạo Mỹ-ASEAN lần đầu tiên này sẽ chứng tỏ Washington ngày càng coi trọng khu vực này.

Một trong những mục tiêu quan trọng của ông Obama trong chuyến công du lần này nữa là mở rộng quan hệ với Trung Quốc. Theo đánh giá của giới phân tích, do sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc, mối quan hệ Mỹ-Trung đang có những thay đổi mang tính kết cấu, theo đó tính phi đối xứng đang dần được thay bằng một kiểu quan hệ bình đẳng hơn.

Tại chặng dừng chân cuối cùng ở Hàn Quốc, Tổng thống Obama sẽ phải đối mặt với những áp lực ngày càng gia tăng nhằm thúc đẩy Hiệp định tự do thương mại Mỹ-Hàn (FTA) và vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Do vậy, chuyến thăm châu Á của Obama chắc chắn sẽ nâng tầm quan trọng của khu vực này trong chính sách kinh tế và an ninh của Mỹ, song các nhà phân tích nói rằng họ không chờ đợi nhiều ở những kết quả cụ thể và ngay lập tức của chuyến
đi này.    

BĂNG CHÂU
(Tổng hợp)

;
.
.
.
.
.