.

Quan hệ Mỹ-Trung: Đối thủ hay đối tác?

.

Trong tuần qua, chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Tổng thống Mỹ Obama là tâm điểm chú ý của báo chí thế giới, giữa lúc Bắc Kinh đang từng bước khẳng định vai trò lớn mạnh của mình trên trường quốc tế. Vấn đề dư luận quan tâm là những gì trong chính sách ngoại giao mà ông Obama sẽ mang đến trong cuộc gặp lịch sử với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, cụ thể Trung Quốc là một đối tác quan trọng hay là một đối thủ đáng gờm?

Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trong cuộc gặp tại Bắc Kinh.

Ngay trước chuyến thăm, Tổng thống Obama đã có những phát biểu nhằm trấn an dư luận rằng, Mỹ sẽ không tìm kiếm cách kìm hãm Trung Quốc. Một Trung Quốc phát triển sẽ có lợi cho các nước trong khu vực. Điều này cũng đã được thể hiện rõ trong tuyên bố chung Mỹ - Trung sau cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo Obama-Hồ Cẩm Đào.

Tuyên bố chung cho thấy, nhận thức của hai bên đầy đủ và toàn vẹn hơn rằng họ thực sự cần đến nhau. Song dĩ nhiên, lợi ích chung chỉ có thể dung hòa chứ không thể giải quyết triệt để. Chuyến thăm Bắc Kinh của ông Obama kết thúc với một kết quả không có gì đột phá, nhưng được đánh giá là không thể tốt hơn. Không ít báo chí đã mượn hình ảnh ví von để nói về quan hệ Mỹ-Trung hiện nay là “cuộc hôn nhân của lý trí”.

Thực tế này hoàn toàn dễ hiểu, đơn giản bởi hai quốc gia này đang rất cần đến nhau. Chỉ riêng tầm vóc mối quan hệ thương mại song phương lên tới hơn 400 tỷ USD vào năm ngoái cũng đủ cho thấy sự phụ thuộc của hai nước này vào nhau. Sự lớn mạnh của Trung Quốc - hiện trở thành chủ nợ lớn nhất thế giới của Mỹ, nắm trong tay khoảng 1.400 tỷ USD nợ của Chính phủ Mỹ, là đối tác thương mại lớn thứ hai của Mỹ sau Canada... đã làm thay đổi cán cân quan hệ Mỹ-Trung trở nên cân bằng hơn.

Đặc biệt, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lan ra từ nước Mỹ càng khiến Washington cần đến Trung Quốc - nơi có thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới. Và dĩ nhiên, cùng với kinh tế - thương mại, lĩnh vực giúp kết nối và điều hòa quan hệ Mỹ - Trung bấy lâu nay, vai trò gia tăng của Trung Quốc trên sân khấu chính trị quốc tế cũng khiến Mỹ phải thay đổi cách nhìn đối với Bắc Kinh. Nhà phân tích Jamie Metzl, Giám đốc Điều hành Asia Society khẳng định, Mỹ đang xem Trung Quốc như một đối tác chiến lược mới nổi.
 
Ông Metzl khẳng định: “Mỹ và Trung Quốc đang kết nối với nhau chặt chẽ hơn bao giờ hết. Bất cứ điều gì mà Mỹ muốn thúc đẩy trên thế giới thì đều cần có sự hưởng ứng và ủng hộ của Trung Quốc và về phía Trung Quốc cũng vậy. Nước Mỹ cũng đang thay đổi cách suy nghĩ về chuyện tăng cường ảnh hưởng, quyền lực trên toàn cầu, rằng nước Mỹ hiện không thể duy trì một ưu thế tuyệt đối trên trường quốc tế”.

Cụ thể, ngoài vấn đề kinh tế-thương mại, Mỹ không thể giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu mà không có sự chung tay của Trung Quốc, đó là biến đổi khí hậu, vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và Iran. Đáng chú ý, lần này, ông Obama một lần nữa chính thức khẳng định ủng hộ nguyên tắc “Một Trung Quốc”, thể hiện sự tôn trọng đối với chủ quyền đất nước của Trung Quốc. Điều này chứng tỏ rằng, hai nước đang cố gắng dựa trên những lợi ích chung ngày càng gia tăng để thúc đẩy quan hệ, nói như Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton: “Cùng trên một con thuyền, hai bên phải cùng chèo lái”.

Tuy nhiên, những tuyên bố giữa hai bên dù hữu nghị nhưng không thể che mờ một loạt các bất đồng còn tồn tại trong mối quan hệ luôn bao gồm hai mặt “hợp tác và cạnh tranh” này. Mỹ sẵn sàng chấp nhận vai trò quan trọng của Trung Quốc trong quan hệ song phương cũng như trong giải quyết các vấn đề quốc tế.

Nhưng mặt khác, Mỹ cũng đòi hỏi Trung Quốc phải có trách nhiệm và cam kết lớn hơn để giảm bớt căng thẳng thương mại, vấn đề đồng nhân dân tệ hay chống biến đổi khí hậu... Mỹ cũng muốn Trung Quốc tham gia nhiều hơn và xích lại gần hơn quan điểm của Mỹ trong các vấn đề như hạt nhân của CHDCND Triều Tiên hay Iran. Song những đòi hỏi này của Mỹ không dễ gì được đáp ứng, nhất là khi Trung Quốc hiện giờ cảm thấy họ hoàn toàn có thế và lực để hành động độc lập. Điều này cũng thể hiện rõ khi Trung Quốc không tán thành việc dùng tên gọi G2 để nói về quan hệ Trung-Mỹ.

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cho rằng, Trung Quốc và Mỹ đều là những nước có ảnh hưởng quan trọng trên thế giới. Một quan hệ Trung-Mỹ ổn định, hợp tác, đi lên, không chỉ có lợi cho hai nước, mà còn có lợi cho cả thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc không tán thành cách gọi G2 để nói về quan hệ Trung-Mỹ, bởi 3 lý do:
 
Thứ nhất, Trung Quốc là một nước đang phát triển và đông dân, để trở thành một nước hiện đại hóa, Trung Quốc vẫn còn quãng đường rất dài phải đi.

Thứ hai, Trung Quốc thực hiện chính sách ngoại giao hòa bình, độc lập, tự chủ, không liên minh với bất kỳ quốc gia hay nhóm quốc gia nào.
 
Thứ ba, Trung Quốc chủ trương, các công việc trên thế giới cần do các nước cùng quyết định, chứ không thể do một hai nước quyết định.

GIA HUY

;
.
.
.
.
.