.
Tăng cường quan hệ Mỹ - Ấn

Lợi cả đôi bên

.

Hôm 24-11, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đón Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh bằng một nghi lễ trọng thể tại Nhà Trắng, và sau đó mời Thủ tướng Ấn Độ cùng phu nhân dự bữa tiệc tối quan trọng ngay tại đây. Ông Manmohan Singh là vị khách mời ở cấp Nhà nước đầu tiên đến thăm Mỹ dưới thời Chính quyền Obama. Theo các nhà quan sát, chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Singh được đặt ở cấp độ ngoại giao cao nhất để bảo đảm với Ấn Độ rằng, nước này vẫn là một đối tác chính của Mỹ ở Nam Á.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và  Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh trong một cuộc gặp tại Washington.

Trong vài tuần trở lại đây, chính quyền Obama đã tập trung nhiều nỗ lực vào các quốc gia láng giềng của Ấn Độ - Pakistan như một phần của cuộc chiến chống khủng bố và Trung Quốc như một đối tác chính trong mọi lĩnh vực, từ kinh tế thế giới tới ngừng phổ biến vũ khí hạt nhân. Ấn Độ theo dõi hai quốc gia láng giềng này với con mắt thận trọng, và biết rất rõ rằng Obama đã thúc đẩy mối quan hệ với Trung Quốc trong chuyến công du của ông tới châu Á tuần trước.
 
Mặc dầu vậy, Mỹ vẫn xem Ấn Độ là một đối trọng với Trung Quốc trong khu vực và muốn thấy Ấn Độ xoa dịu căng thẳng với Pakistan để Islamabad cảm thấy thoải mái khi điều chuyển một lực lượng quân đội khỏi biên giới Ấn Độ - Pakistan về phía biên giới Afghanistan để truy diệt Taliban.

Trong một bài phát biểu tối 23-11, ông Singh kêu gọi Mỹ và các đồng minh duy trì cam kết lâu dài trong việc bình ổn Afghanistan. Điều này cho thấy, Ấn Độ lo ngại rằng một sự hồi sinh của Taliban có thể sẽ biến nước này thành nơi cho các tổ chức Hồi giáo cực đoan ẩn náu và phát tán tư tưởng bạo lực ra khu vực.

Ông nói: “Lộ trình hòa bình ở Afghanistan còn dài và gian khổ. Nhưng với sự tham gia của nhiều bên, cam kết của cộng đồng quốc tế sẽ được duy trì bởi quyết tâm vững chắc và mục đích thống nhất. Điều cực kỳ quan trọng là tất cả các đối tác khu vực và quốc tế phải ủng hộ chính phủ Afghanistan. Đây là cách duy nhất Afghanistan có thể giải quyết được những thách thức to lớn mà nước này đang phải đối mặt. Tôi không mảy may nghi ngờ, nếu Taliban và mạng lưới al-Qaeda thắng ở Afghanistan, đó sẽ là một kết cục thê thảm”.

Viễn cảnh tan băng trong quan hệ Ấn Độ - Pakistan dường như rất mong manh, do các cuộc tấn công khủng bố ở Mumbai, Ấn Độ hồi tháng 11 năm ngoái. Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Ấn được cho là sẽ thông báo ít nhất một thỏa thuận, được thiết lập để cải thiện sự hợp tác về năng lượng sạch, thay đổi khí hậu và an ninh năng lượng. “Thỏa thuận sẽ cung cấp một khuôn khổ cho việc theo đuổi sự hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực cụ thể”, trích lời Thủ tướng Singh khi xuất hiện tại Phòng Thương mại Mỹ hôm 23-11.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Robert Gibbs khẳng định quan hệ Mỹ-Ấn rằng: “Đây là mối quan hệ rất quan trọng với một đất nước rất quan trọng. Đó là lý do tại sao Ấn Độ được chọn thăm đầu tiên”.

Dù mối quan hệ Mỹ - Ấn bề ngoài có vẻ “lạnh nhạt” kể từ khi chính quyền mới lên nhậm chức tại Mỹ, song thực tế, việc thúc đẩy mối quan hệ hiện nay lại có ý nghĩa chiến lược, được đánh giá là “lợi cả đôi bên”.
 
Có ý kiến cho rằng chuyến đi của Thủ tướng Ấn Độ đến Washington là nhằm “thăm dò ý định của Tổng thống Obama có tiếp tục củng cố quan hệ với New Delhi  hay không - mối quan hệ từng ở vào giai đoạn “mặn nồng” nhất vào những năm cuối nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Bush. Đặc biệt, người đứng đầu Nhà Trắng phần nào làm mất lòng Ấn Độ khi ký Tuyên bố chung với Trung Quốc, trong đó khẳng định ủng hộ việc hòa giải giữa Ấn Độ và Pakistan.
 
Ấn Độ ngay sau đó đã phản ứng lại rằng, không cần có sự can thiệp của Mỹ và Trung Quốc vào vấn đề song phương giữa Ấn Độ với Pakistan. Tất cả những diễn biến đó khiến người ta cho rằng quan hệ Mỹ- Ấn đang gặp trắc trở. Tuy nhiên, xét về lợi ích lâu dài, dễ thấy chính quyền Obama vẫn khéo léo thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ.
 
Bằng chứng là ngay sau chuyến thăm Trung Quốc của ông Obama, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ lập tức lên tiếng xoa dịu Ấn Độ rằng, Washington sẽ không đánh đổi quan hệ với Ấn Độ vì mối quan hệ tốt hơn với Bắc Kinh.
 
GIA HUY

;
.
.
.
.
.