.
Tổng thống Mỹ công du châu Á

Vì sao Obama chọn Nhật là điểm dừng chân đầu tiên?

.

Quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ bắt đầu rạn nứt kể từ khi tân Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama cam kết thúc đẩy quan hệ thân thiết với châu Á và tìm kiếm chính sách đối ngoại độc lập hơn với Washington sau khi lên nắm quyền. Chuyến thăm Nhật Bản hai ngày 13 và 14-11 của ông Obama trong chuyến công du châu Á đầu tiên được cho là để làm sáng tỏ các vấn đề còn chưa rõ ràng giữa Washington và đồng minh trung thành dưới thời tân Thủ tướng Yukio Hatoyama, sau gần 50 năm hai nước thiết lập liên minh an ninh. Cũng tại đây, ông Obama đưa ra bài phát biểu quan trọng về mối quan hệ của Mỹ với châu Á.

Những người Nhật phản đối căn cứ  không quân Mỹ tại Okinawa muốn dọn nó ra khỏi hòn đảo này.

Một trong những vấn đề gai góc hiện nay mà hai nước đang quan tâm là tương lai của căn cứ không quân Mỹ tại Okinawa. Tâm điểm này cùng với vấn đề thay đổi khí hậu và kinh tế sẽ được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Nhật Hatoyama hôm 13-11. Những người Nhật phản đối căn cứ không quân Mỹ tại Okinawa muốn dọn nó ra khỏi hòn đảo, nhưng Washington lại muốn di dời nó tới một địa điểm khác của Okinawa.

Vấn đề này đang đe dọa tới việc đồn trú 47.000 binh lính Mỹ tại Nhật Bản và làm tổn hại quan hệ quốc phòng giữa hai nước. Để tránh làm trầm trọng thêm rạn nứt giữa hai nước, ngay trước thềm chuyến thăm của ông Obama, hôm 10-11, Nhật Bản và Mỹ đã nhất trí thành lập nhóm công tác cấp bộ để thảo luận việc tái bố trí căn cứ không quân Futenma thuộc Quân đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ ở tỉnh Okinawa. Quyết định trên được đưa ra sau cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nhật Bản Katsuya Okada với Đại sứ Mỹ tại Nhật John Roos.

Tuy nhiên, theo Ngoại trưởng Okada, triển vọng giải quyết triệt để vấn đề này vẫn còn khá xa vời. Phát biểu trước báo giới tại Tokyo, Ngoại trưởng Okada cho biết, thỏa thuận trên không đồng nghĩa với việc Washington có thể sẽ nhượng bộ Tokyo trong vấn đề di dời căn cứ không quân Futenma. Ông dẫn lời Đại sứ Roos cho biết, điều này không có nghĩa là Mỹ thay đổi quan điểm.
 
Mục đích thành lập nhóm công tác là để tìm cách giải quyết nhanh vấn đề này. Trong thành phần dự kiến của nhóm công tác này bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng hai nước. Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản sẽ đại diện cho Chính phủ Mỹ thay mặt Ngoại trưởng Hillary Clinton hoặc Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates trong trường hợp cần thiết.

Mặc dù có kế hoạch đưa các tàu tiếp nhiên liệu hỗ trợ lực lượng liên minh do Mỹ dẫn đầu tại Afghanistan về nước, nhưng Nhật Bản vẫn viện trợ 5 tỷ USD cho Afghanistan. Nhật Bản sẽ giải ngân khoản viện trợ này trong vòng 5 năm, bắt đầu từ cuối năm nay. Số tiền này chủ yếu dùng vào việc xây dựng lực lượng cảnh sát, hỗ trợ các dự án nông nghiệp và cơ sở hạ tầng khác.

Theo giới phân tích, quyết định trên là cách để Nhật - nước bị cấm gửi quân tham chiến theo Hiến pháp Hòa bình - thể hiện sự ủng hộ với quá trình tái thiết Afghanistan trong khi Obama đang phải cân nhắc các lựa chọn cho một chiến lược mới trong cuộc chiến tại nước này. Chính phủ của Thủ tướng Yukio Hatoyama muốn đặt quan hệ giữa Tokyo với Washington ở thế cân bằng hơn, và không có ý định mở rộng sứ mệnh tiếp dầu của Nhật tại Ấn Độ Dương.

Liên minh Nhật-Mỹ sẽ được xác định lại như thế nào dưới thời chính quyền Hatoyama sẽ là vấn đề được quan tâm trong chuyến công du Nhật Bản của ông Obama.

 

Theo lịch trình, sứ mệnh này sẽ được chấm dứt vào tháng 1-2010. Quan chức Nhật Bản khẳng định, quyết định viện trợ không đơn thuần là sự thay thế sứ mệnh tiếp dầu. Ngoại trưởng Katsuya Okada cũng nói rõ: “Sứ mệnh tiếp dầu và viện trợ 5 tỷ USD là hai chuyện khác nhau. Việc viện trợ sẽ gây sức ép lên ngân sách của Nhật, nhưng nó hoàn toàn phản ánh cam kết tuân thủ đầy đủ trách nhiệm toàn cầu của Nhật bởi tầm quan trọng của Afghanistan”.

Cũng nhân chuyến thăm của ông Obama lần này, Tokyo muốn tranh thủ tìm kiếm và nhận được sự bảo đảm rằng, ông Obama sẽ coi vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên là ưu tiên của Mỹ, bởi hầu hết các tên lửa Rodong của Bình Nhưỡng đều có thể vươn tới Nhật Bản.

Xét cho cùng thì tất cả những vấn đề trên là những vấn đề nhỏ nhưng bị làm thành lớn bởi sức ép chính trị nội bộ tại hai nước. Nhìn vào những mục tiêu lớn hơn trong liên minh chiến lược Nhật-Mỹ đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng của hai nước và khu vực, thì hai nước hoàn toàn có thể vượt qua những bất đồng kể trên để tiếp tục củng cố mối quan hệ liên minh lâu đời này. Tuy nhiên, nếu Nhật nghiêm túc xác định lại quan hệ liên minh của mình thì trật tự an ninh châu Á cũng có thể sẽ được sắp xếp lại trong những năm tới.

GIA HUY

;
.
.
.
.
.