.
Vấn đề hạt nhân Iran

Từ ngờ vực đến phản đối

.

Hôm 27-11, Ban Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) gồm đại diện 35 nước thành viên đã thông qua nghị quyết do nhóm P5+1 (gồm Đức và 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc) soạn thảo, lên án việc Iran bí mật xây dựng cơ sở làm giàu uranium thứ hai gần thành phố linh thiêng Qom, đồng thời yêu cầu Tehran ngừng ngay dự án này.

Các chuyên gia kỹ thuật Iran chuyển uranium ra khỏi cơ sở hạt nhân Isfahan.

Đây là một động thái mới nhất cho thấy Mỹ và các nước phương Tây đã có những bước đi đột phá trong quan hệ ngoại giao khi giành được sự ủng hộ của Trung Quốc và Nga - hai nước trước đây vốn luôn ủng hộ Iran. Đồng thời phản ánh sự mất kiên nhẫn của cộng đồng quốc tế trước sự minh bạch của chương trình hạt nhân Iran.

Ngay lập tức sau đó, Bộ Ngoại giao Iran đã phản đối nghị quyết của IAEA và cho rằng, bản nghị quyết là “hành động giả tạo và vô dụng”. Hãng tin IRNA của Iran dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ramin Mehmanparast cho rằng, Tehran không cần thiết phải thực hiện đầy đủ các cam kết đối với IAEA nếu các quyền cơ bản của nước này, với tư cách là thành viên của Hiệp ước Không phổ biến hạt nhân, không được đáp ứng.
 
Trong khi đó, giáo sĩ theo đường lối cứng rắn của Iran, ông Ahmad Khatami tuyên bố, Iran sẽ tự sản xuất nguyên liệu riêng để phục vụ lò phản ứng nghiên cứu y học ở thủ đô Tehran nếu IAEA không cung cấp nhiên liệu hạt nhân. Ông cũng cảnh báo các cường quốc rằng, Iran sẽ không bị khuất phục bởi những mối đe dọa hay bị dao động trước sự “mua chuộc” để từ bỏ quyền sở hữu công nghệ hạt nhân.

Mặc dù thường bị chỉ trích có thái độ mềm mỏng với Tehran, Tổng Giám đốc IAEA Mohamed ElBaradei đã có những phát biểu thẳng thắn khác thường về Iran, cho thấy ông thật sự thất vọng với tiến triển trong các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.

Phát biểu tại cuộc họp của Ban Giám đốc IAEA ở Vienna, Áo, ông ElBaradei chỉ trích Iran đã che giấu trong một thời gian dài sự tồn tại của nhà máy Fordo, nhà máy sản xuất uranium thứ hai được Tehran công bố cuối tháng 9 vừa qua. Theo ông ElBaradei, việc làm này của Tehran vi phạm các cam kết với IAEA, khiến cộng đồng quốc tế nghi ngờ Iran có những cơ sở làm giàu

uranium khác nhưng không công bố. Ông phàn nàn về việc Iran trong hơn một năm qua đã không làm sáng tỏ những quan ngại còn tồn tại về chương trình hạt nhân của nước này, bao gồm các hệ thống phóng và các vụ thử tên lửa, bị nghi ngờ phục vụ mục đích sản xuất bom hạt nhân.

Ông ElBaradei cho rằng, sự thiếu hợp tác của Iran đã khiến cuộc điều tra của IAEA về bản chất hòa bình trong chương trình hạt nhân của Tehran lâm vào bế tắc, đồng thời khẳng định cuộc điều tra sẽ không đi đến kết quả, nếu Iran không hợp tác đầy đủ với IAEA. Ông tỏ ý thất vọng trước việc Iran cho đến nay vẫn chưa nhất trí với đề xuất do chính ông tham gia soạn thảo, được IAEA bảo trợ và được nhóm tham gia đàm phán P5+1, nhất trí. Đề xuất này yêu cầu Tehran đưa uranium ra nước ngoài làm giàu ở mức độ cao hơn để phục vụ lò phản ứng hạt nhân dân sự tại Iran như một biện pháp xây dựng lòng tin với cộng đồng quốc tế.

Đài truyền hình Nhà nước Iran dẫn lời Đại sứ nước này tại IAEA Ali Asghar Soltanieh cho biết, Tehran muốn có vòng đàm phán thứ hai để thảo luận những cân nhắc về kinh tế, kỹ thuật và nhiều yếu tố khác, đặc biệt điều khoản nhằm bảo đảm Iran có được nhiên liệu hạt nhân.
 
Cùng với những bước đi trên, Iran cũng tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế bằng một loạt các cuộc viếng thăm các nước trong chuyến công du châu Phi và Mỹ Latinh, qua 5 nước gồm Gambia, Brazil, Bolivia, Venezuela và Senegal. Bên cạnh đó, Iran tiến hành tập trận để bảo vệ các nhà máy hạt nhân trong trường hợp bị tấn công.

Theo các nhà phân tích, nghị quyết được Ban Giám đốc IAEA thông qua là một sự nhắc nhở để Iran nắm bắt những cơ hội hiện có, giúp đi đến một giải pháp ngoại giao toàn diện cho chương trình hạt nhân của mình.

Điều Iran cần làm hiện nay là phải chứng minh chương trình hạt nhân của mình là vì mục đích hòa bình và không nhằm sản xuất bom hạt nhân, nếu không, sẽ khó tránh khỏi việc đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng. 

“Trong phản ứng đầu tiên về nghị quyết bất hợp pháp mang động cơ chính trị của IAEA, Quốc hội Iran có thể cân nhắc rút khỏi NPT. Quốc hội Iran cũng có thể không cho các thanh tra IAEA tới nước này”, Mohammad Karamirad, nghị sĩ Iran cho biết. Động thái này có thể tổn hại nghiêm trọng tới những nỗ lực ngăn Iran khỏi phát triển vũ khí hạt nhân.


 ĐOÀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.