Cuối tuần qua, hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 17 đã chính thức diễn ra tại Singapore, với sự góp mặt của 21 nền kinh tế thành viên APEC, chiếm 50% tổng sản lượng trong toàn nền kinh tế thế giới.
(Từ trái sang phải) Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Tổng thống Mỹ Obama đang lắng nghe Thủ tướng Australia Kevin Rudd phát biểu tại hội nghị APEC hôm 15-11. |
Tại hội nghị CEO diễn ra trước thềm Hội nghị APEC, một số nhà lãnh đạo các nền kinh tế, tổ chức trên thế giới đã lên tiếng cảnh báo sự phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như: tỷ lệ thất nghiệp cao ở các nước giàu, tài sản bong bóng, xu hướng bảo hộ còn tồn tại ở một số quốc gia. Hội nghị lần này cũng đã cho lưu hành hai tài liệu giới thiệu về APEC nói chung và về chương trình cải tổ cơ cấu của khối.
Trong tài liệu thứ hai này, hội nghị đã giới thiệu trường hợp điển hình của 5 nước đạt kết quả trong việc thực hiện năm mục tiêu cải tổ mà APEC đề ra. Việt Nam được nêu bật trong lĩnh vực “củng cố hạ tầng cơ sở kinh tế và pháp lý”. Tại Hội nghị thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết là diễn giả chính tại phiên thảo luận về “Đầu tư phát triển tại các nền kinh tế mới nổi”. Đây là sự kiện thứ hai thu hút sự chú ý đến Việt Nam.
Sự kiện này rất có ý nghĩa vì lần này, tại Singapore, đã có hơn 1.500 chủ tập đoàn, doanh nghiệp đến từ 21 quốc gia và lãnh thổ đăng ký tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC, một số lượng mà chính ban tổ chức phải công nhận là đông chưa từng thấy.
Tại phiên họp kín thứ nhất của hội nghị APEC 17, với chủ đề “Kết nối khu vực”, các nhà lãnh đạo đã thảo luận về định hướng thúc đẩy tiến trình liên kết kinh tế, tự do hóa thương mại và đầu tư tại châu Á-Thái Bình Dương. Phiên họp nhất trí thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực thông qua các biện pháp tự do hóa thương mại, cải thiện môi trường kinh doanh và tăng cường kết nối dây chuyền cung ứng. Các nhà lãnh đạo APEC bày tỏ quyết tâm cần có một thông điệp chính trị mạnh mẽ đến Hội nghị Bộ trưởng WTO vào tháng 12 tới, ủng hộ nỗ lực chung, sớm kết thúc vòng đàm phán Doha trong năm 2010.
Các nhà lãnh đạo APEC đồng thuận rằng, ngoài những vấn đề tự do hóa đầu tư và thương mại truyền thống, APEC cũng cần tập trung vào các lĩnh vực mới như khả năng kết nối và cải cách luật lệ, có cách tiếp cận thực tế hơn để kết nối các thị trường. Một số nhà lãnh đạo đề nghị tăng cường khả năng kết nối khu vực bằng cách cải thiện khả năng liên kết vận tải qua biên giới ở tất cả các hình thức, bao gồm cả liên kết đường bộ, đường không và đường biển.
Một số quan điểm nêu bật sự cần thiết phải tập trung hơn vào cải cách cơ cấu để tăng năng suất và tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế của khu vực. Các nhà lãnh đạo APEC cũng đề cập đến tầm quan trọng của việc thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nền kinh tế và tăng cường các nỗ lực xây dựng năng lực hướng tới mục tiêu đó.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định tầm quan trọng của tăng cường liên kết kinh tế APEC, cho đây là “chìa khóa” thành công, là nền tảng vững chắc để APEC duy trì vai trò ở khu vực và quốc tế. Chủ tịch nước nhấn mạnh, tình hình khu vực và quốc tế hiện nay đang mở ra những cơ hội mới, đồng thời cũng lộ diện những thách thức gay gắt.
Đó là tái cấu trúc nền kinh tế toàn cầu, thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương, ngăn chặn chủ nghĩa bảo hộ, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực... Những thách thức này vượt ngoài khả năng giải quyết của một quốc gia, đòi hỏi APEC phải tăng cường liên kết, phối hợp chặt chẽ.
GIA HUY (Tổng hợp)