.

Ảnh hưởng của việc đổi tiền ở Triều Tiên

.

Để ngăn chặn lạm phát và kiểm soát chặt chẽ hơn các hoạt động giao dịch trên thị trường tự do, Chính phủ CHDCND Triều Tiên hôm 30-11 đã quyết định định giá lại đồng nội tệ, đồng won, và đưa ra lệnh giới hạn số lượng đổi tiền cũ lấy tiền mới. Việc đổi tiền ở Triều Tiên bắt đầu vào ngày 30-11 và kết thúc vào ngày 6-12. Sự kiện bất ngờ này đã khiến người ta phải đặt ra không ít câu hỏi về ảnh hưởng và vai trò của nó đối với đời sống người dân.

Theo lần định giá này, 100 won trước kia sẽ chỉ còn giá trị 1 won.

Theo nhiều nhà kinh tế, thì việc định giá này sẽ là biện pháp quan trọng giúp chính phủ có thể kiểm soát nền kinh tế tốt hơn và hướng tới một quốc gia Triều Tiên “vững mạnh và thịnh vượng”.

Tuy nhiên, không ít chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, quyết định đổi tiền sẽ ảnh hưởng mạnh nhất tới tầng lớp trung lưu, khi tài sản của họ bỗng chốc trở nên mất giá quá mức. Theo những thông tin ban đầu, người dân Triều Tiên thu lợi từ hoạt động thị trường đã đổ xô đi đổi tiền won sang Nhân dân tệ và đô-la Mỹ, sau khi nghe tin về cuộc định giá này.

Kể từ đầu những năm 2000, những thương nhân này đã mở rộng hoạt động thị trường tại Triều Tiên. Chính họ được cho là những người làm dấy lên cuộc phản đối chống lại quan chức Triều Tiên và cho rằng các quy định mới được thực thi sẽ giới hạn khả năng bán hàng hóa.
 
Những nữ thương nhân là những người phản đối nhiều nhất, khi cơ hội đổi tiền won sang đồng tiền khác trôi qua. Những ai không kịp đổi lượng tiết kiệm bằng đồng won sẽ còn mất mát nhiều hơn thế.

Theo quy định, mỗi hộ gia đình chỉ được đổi 100.000-150.000 won tiền cũ sang tiền mới, số tiền vượt quá giới hạn mà một người được đổi phải gửi vào ngân hàng. Thêm nữa, nhà nước lại hạn chế số tiền gửi của một cá nhân ở ngân hàng là 300.000 won tới 3 triệu won, người gửi không được tự do rút tiền khỏi tài khoản.
 
Có lẽ ảnh hưởng lớn nhất, theo đúng mục đích của cuộc đổi tiền này, là giúp ổn định hoạt động trong nước và khiến người dân không còn suy nghĩ theo kiểu dùng tiền để đút lót. Trong những năm qua, khi người ta có thể kiếm nhiều tiền hơn từ thị trường, họ có thể đút lót chính quyền để thoát tội. Họ cũng có thể hối lộ để giúp người thân không phải gặp rắc rối. Đổi tiền mới sẽ đánh mạnh vào tập quán này.

“Quân đội Triều Tiên đang trực chiến và sẵn sàng dẹp yên bất cứ cuộc biểu tình nào nhằm chống lại lệnh đổi tiền hồi tuần trước” Nhật báo thương mại Nga - Kommersant trích các nguồn tin ngoại giao tại Bình Nhưỡng cho biết.  

Định giá lại đồng tiền sẽ khiến các thị trường cần thời gian để tự điều chỉnh. Và chính phủ Triều Tiên có thể sẽ phải đối phó với các hoạt động tội phạm nhiều hơn, khi người dân có thể sẽ tính tới các công cụ khác khi thị trường “tạm ngưng” trong giai đoạn điều chỉnh. Nhiều người Triều Tiên hoảng loạn khi tất cả các cửa hàng bị yêu cầu đóng cửa trong thời kỳ cải cách tiền tệ và họ không thể sử dụng một chút tiền tiết kiệm nào. Như thế, trong thời gian ngắn, chắc chắn nước này sẽ không tránh khỏi những bất ổn nhất định về chính trị.

Trong tình hình này, có nhiều người trung lưu có thể sẽ tính chuyện “đào tẩu” khi số tiền họ dành dụm được bất ngờ mất đi quá nhiều giá trị. Riêng việc đối phó với xu hướng này cũng khiến chính phủ Triều Tiên gặp phải không ít khó khăn. Và khi Ủy ban Quốc phòng nước này ra lệnh cho lực lượng biên phòng ở biên giới với Trung Quốc phải ngăn cản bất cứ ai định vượt biên mà không được phép, thì có thể sự phản đối trong nước cũng sẽ gia tăng. Liệu cuộc khủng hoảng lần này có dẫn tới cuộc khủng hoảng lương thực nữa hay không, trong khi Triều Tiên còn nhiều việc phải làm bên cạnh những vấn đề tiền tệ và kinh tế.

BĂNG CHÂU

;
.
.
.
.
.