Trong tuần này, cả thế giới đang dõi theo Hội nghị cấp cao LHQ về biến đổi khí hậu tại Copenhagen của Đan Mạch, diễn ra trong vòng 2 tuần, và sẽ kết thúc vào ngày 18-12. Đây là hội nghị về biến đổi khí hậu lớn nhất trong lịch sử LHQ, với sự tham gia của 192 quốc gia và cũng được xem là cơ hội cuối cùng để các nước chung tay cứu lấy thế giới trước khi quá muộn.
Biến đổi khí hậu gây ra tình trạng sa mạc hóa ở nhiều nước trên thế giới. |
Mục đích lớn nhất của hội nghị này là cho ra đời một thỏa thuận khung toàn cầu về vấn đề khí thải cácbon điôxít (CO2), gây hiệu ứng nhà kính để thay thế cho Nghị định thư Kyoto sẽ hết hạn vào năm 2012. Dự kiến các nước phát triển đồng ý sẽ cắt giảm đáng kể lượng khí thải CO2 từ nay đến năm 2020, trong khi các nước đang phát triển sẽ hạn chế tốc độ gia tăng loại khí thải, là thủ phạm chính của tình trạng nóng lên toàn cầu này.
Theo Michel Jarraud, Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), đây có lẽ là năm ấm nhất, nhưng về tổng thể, năm 2009 dường như “là năm thứ năm ấm nhất trong kỷ lục”. Thập niên 2000-2009 rất có khả năng ấm nhất trong kỷ lục, ấm hơn cả thập niên 90, 80… Giới khoa học khẳng định, không có một thỏa thuận nhằm đưa thế giới tách khỏi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và các chất gây ô nhiễm khác tới dùng nguồn năng lượng xanh hơn, do vậy, trái đất sẽ còn phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng do nhiệt độ tăng cao như: Tuyệt chủng động thực vật, lụt lội tại các thành phố duyên hải, thời tiết khắc nghiệt hơn, khô hạn hơn và bệnh tật lan rộng.
Thủ tướng Anh Gordon Brown đã thúc giục lãnh đạo châu Âu gia tăng nỗ lực nhằm giảm bớt khí thải nhà kính, thuyết phục Mỹ và những nước khác cam kết nhiều hơn tại Hội nghị Copenhagen. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Obama đã có tuyên bố mới, cho phép nước này kiểm soát lượng khí thải mà không cần sự thông qua từ Quốc hội. Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ cho hay, những bằng chứng khoa học cho thấy rõ ràng rằng, khí thải nhà kính “đe dọa tới sức khỏe cộng đồng và an sinh của người dân Mỹ” và các chất gây ô nhiễm - chủ yếu là cácbon điôxít từ đốt cháy nhiên liệu hoá thạch - cần phải giảm bớt. Cơ quan này có thể cắt giảm lượng khí thải nhà kính mà không cần sự tán đồng của Quốc hội. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cam kết vào năm 2020 giảm 20% khí thải nhà kính so với 1990 và đang xem xét nâng tỷ lệ lên 30% nếu các chính phủ khác cũng đặt mục tiêu cao.
Các chuyên gia hoạt động môi trường đang thảo luận tại Hội nghị cấp cao LHQ về biến đổi khí hậu ở Copenhagen. |
|
Cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu đòi hỏi nỗ lực toàn cầu nhằm tìm ra giải pháp toàn cầu mang tính xây dựng và trách nhiệm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia môi trường, hội nghị lần này có thành công hay không là còn tùy thuộc một phần vào những gì được cam kết từ Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia dẫn đầu thế giới về lượng khí thải nhà kính.
GIA HUY