Sau những bất đồng gay gắt về khoản ngân sách chi cho việc chống biến đổi khí hậu, bởi các nước vẫn còn đổ lỗi cho nhau về trách nhiệm xả khí thải thì cuối tuần qua, dư luận quốc tế đã thở phào nhẹ nhõm khi Hội nghị biến đổi khí hậu Liên Hợp Quốc đã đi đến một dự thảo thỏa thuận chung, ngăn không cho nhiệt độ trái đất tăng trên 1,5 hay 2 độ C, đồng thời, Liên minh châu Âu (EU) cũng cam kết giúp 10 tỷ USD cho các nước nghèo. Đây là những tín hiệu lạc quan, mở đường cho việc ký kết một hiệp định thay thế Nghị định thư Kyoto 1997.
Giữa lúc các đại biểu của 192 nước đang tham dự hội nghị, thì khoảng 40.000 người từ nhiều nước châu Âu đã tuần hành tại thủ đô Copenhagen của Đan Mạch kêu gọi chống biến đổi khí hậu. |
Theo ông Yvo de Boer - người phụ trách vấn đề khí hậu của Liên Hợp Quốc - dự thảo cho thấy, các cuộc thương thuyết đang đạt được tiến bộ. Tuy nhiên, văn kiện này vẫn chưa hoàn chỉnh, còn cần phải thêm bớt và vẫn để ngỏ khoản tài chính cần thiết để giúp các quốc gia đang phát triển thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu.
Dự thảo cũng để ngỏ, không đưa ra con số chắc chắn, về việc phải giới hạn tình trạng nóng ấm toàn cầu bao nhiêu độ. Một số các quần đảo nhỏ và nước nghèo đòi phải giới hạn tình trạng tăng nhiệt ở mức 1,5 độ C mà thôi, thấp hơn con số 2 độ C mà các nền kinh tế lớn đang phát triển chấp thuận vào tháng 7. Cũng theo bản dự thảo này, các quốc gia phát triển phải cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính ít nhất 25% từ nay đến năm 2020 so với mức năm 1990, và ít nhất 50% tính cho đến năm 2050.
Dự thảo trên được đưa ra cùng ngày các quốc gia châu Âu loan báo sẽ đóng góp 7,2 tỷ euro (trên 10 tỷ USD) trong 3 năm tới để giúp các nước nghèo đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Con số này cao hơn dự tính ban đầu là 6 tỷ euro trong 3 năm. EU hy vọng phần đóng góp của mình sẽ làm cho nhiều cường quốc khác noi gương, vì tiền tài trợ và mục tiêu về nhiệt độ là hai vấn đề gai góc trong những đợt đàm phán từ trước đến nay.
Thủ tướng Anh Gordon Brown còn khẳng định, EU quyết tâm cắt giảm một lượng lớn khí thải. “Mục tiêu của chúng tôi là qua một thỏa thuận đầy tham vọng, EU cam kết cắt giảm 30% lượng khí thải từ nay đến năm 2020. Thỏa thuận này phải bao gồm một hiệp định khung về tài chính trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn nữa”, ông nói.
|
|
Lãnh đạo EU giải thích, quan điểm về thay đổi khí hậu của khối là nhằm tăng áp lực lên những nước khác và thúc giục họ có các bước đi cụ thể để tạo nên thành công cho hội nghị.
Vào đầu tuần này, các Bộ trưởng sẽ đến thủ đô Đan Mạch để tham gia hội nghị. Sau đó, các nguyên thủ quốc gia, kể cả Tổng thống Mỹ Barack Obama, theo dự kiến cũng sẽ đến tham dự vào cuối tuần này. Mục tiêu hội nghị là đạt tới một hiệp định toàn cầu để đối phó với tình trạng khí hậu biến đổi và sẽ có hiệu lực vào năm 2013.
Mặc dù nhiều người tỏ ra lạc quan về khả năng thành công của hội nghị, song một số nhà khoa học vẫn cảnh báo rằng, tăng nhiệt độ là xu hướng không thể tránh khỏi của trái đất. Tiến sĩ Mark New của Đại học Oxford (Anh) cho rằng: “Ngay cả những nước phát triển cũng sẽ đối mặt với các thảm họa như di cư ồ ạt và thiếu lương thực. Những cộng đồng giàu nhất sẽ chứng kiến những thay đổi to lớn và chưa từng có trong cuộc sống của họ. Phần lớn dân số thế giới sẽ phải thay đổi những thói quen cơ bản để có thể tồn tại trong một thế giới nóng hơn hiện nay”.
GIA HUY