Hội nghị Copenhagen đã kết thúc hôm 19-12 mà không đạt được thỏa thuận mới để thay thế Nghị định thư Kyoto sẽ hết hạn vào năm 2012, tuy đã đi đến một tuyên bố cuối cùng đề ra mục tiêu chung dài hạn cho 193 quốc gia là hạn chế mức tăng nhiệt độ trái đất tối đa là 2oC so với thời kỳ tiền công nghiệp. Bản tuyên bố cũng dự trù trợ giúp các nước đang phát triển trước mắt mỗi năm 30 tỷ USD trong ba năm từ 2010 đến 2012, rồi nâng lên thành 100 tỷ USD mỗi năm từ sau đó đến năm 2020. Tuy nhiên, rất nhiều mục tiêu đã không đạt được tại hội nghị này, kéo theo sự thất vọng của nhiều nước trên thế giới.
Các nhà lãnh đạo thế giới đang tham gia thảo luận tại một phiên họp ở Hội nghị Copenhagen, Đan Mạch.
Trước đó, lên tiếng trước các nhà lãnh đạo thế giới có mặt tại Hội nghị Thượng đỉnh Copenhagen, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đưa ra một kế hoạch bao gồm hành động dứt khoát của các quốc gia nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, những tiêu chuẩn minh bạch để kiểm chứng sự tuân thủ và tài trợ cho những nước nghèo chịu ảnh hưởng nặng nề nhất để giúp họ thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu. Ông Obama không đưa ra đề nghị gì mới so với những gì đã được trình bày tại hội nghị, gồm sự cam kết của Mỹ giảm mức khí thải tới 17% từ nay tới năm 2020 và hơn 80% tới năm 2050, cùng một cam kết làm việc với các nước khác để vận động thiết lập một ngân quỹ 100 tỷ USD mỗi năm từ nay đến năm 2020, giúp cho những quốc gia đang phát triển.
Như vậy, Hội nghị Copenhagen không đạt được một thỏa thuận mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, bởi không giải quyết được những bất đồng của các nhóm nước về mức cắt giảm lượng khí thải CO2. Hội nghị Copenhagen được triệu tập chính là nhằm thảo luận và thông qua hai bản thỏa thuận: Thỏa thuận thứ nhất kéo dài hiệu lực của Nghị định thư Kyoto, một văn kiện chỉ liên quan đến 38 nước công nghiệp phát triển, ngoại trừ Mỹ, chưa phê chuẩn nghị định thư này; Thỏa thuận thứ hai nhằm mở rộng các nỗ lực chống biến đổi khí hậu ra toàn thế giới.
Bản thỏa thuận Copenhagen, không mang nghĩa vụ pháp lý, có những điểm nổi bật sau: |
Tại hội nghị, các nước giàu bị chỉ trích khi đề nghị tài trợ 10 tỷ USD mỗi năm cho các nước nghèo. Trong khi đó, hầu như không một nước công nghiệp nào chấp nhận giảm lượng khí thải CO2 từ 25-40% như các chuyên gia khí hậu yêu cầu. Qua kết quả đạt được tại hội nghị cho thấy, dường như có quá ít chính trị gia trên thế giới có khả năng nhìn xa hơn là quyền lợi của riêng họ, nói gì quan tâm đến hàng trăm triệu người đang phải đối mặt với hiểm họa biến đổi khí hậu. Những gì đạt được không có mục tiêu chắc chắn, không có ràng buộc về pháp lý, và không có thời gian biểu cụ thể cho việc cắt giảm khí thải, các nước bị đe dọa nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu chưa có được thỏa thuận họ mong muốn. Và hậu quả là hành tinh của chúng ta sẽ còn phải gánh chịu những tác hại kinh khủng và không thể đảo ngược được trong thời gian tới.
GIA HUY