.

Hội nghị thượng đỉnh khí hậu tại Copenhagen: Lại trì hoãn và chia rẽ

.

(ĐNĐT) - Các cuộc đàm phán chính thức tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu ở Copenhagen được tổ chức sau 9 tiếng đồng hồ bị trì hoãn, do các bên tranh cãi nhau về văn bản được sử dụng làm cơ sở cho các cuộc hội đàm

Các cuộc hội đàm chính thức được dự kiến sẽ bắt đầu vào 13 giờ địa phương ngày 16-12, nhưng mãi đến 22 giờ cùng ngày mới được tổ chức do nước chủ nhà Đan Mạch tỏ thái độ giận dữ khi các nước đang phát triển cố đưa ra những tài liệu mới và coi đó là cơ sở cho các cuộc hội đàm.

Cảnh sát đã phải dùng gậy, hạt tiêu và hơi cay để chống lại người biểu tình tại Copenhagen
Thực tế là các nước đang phát triển tố cáo các nước phát triển rằng chủ nhà Đan Mạch đang cố tình loại bỏ những mối quan tâm của họ. Các nước này cố bảo vệ việc sử dụng các tài liệu vốn đã bị loại khỏi các cuộc hội đàm đang diễn ra gần một năm qua. Trong khi đó, các văn bản của Đan Mạch luôn được đưa ra trước mắt các đoàn chủ chốt và đã bị từ chối ngay lập tức. Các phái đoàn đã đợi trong hội trường mà chẳng có thông tin khi nào phiên họp sẽ bắt đầu.

Điều đó cho thấy rằng, sự chia rẽ đang diễn ra giữa các nước giàu và các nước nghèo, trong đó, các nước đang phát triển luôn tố cáo Đan Mạch đang cố tình áp đặt một khuôn mẫu lên hội nghị mà kết quả cuối cùng của nó sẽ làm thoả mãn những nước phát triển.

Tại hội nghị này, các nước đã cam kết các nguồn quỹ mới; đặc biệt, Nhật Bản đã cam kết sẽ cung cấp 5 tỷ USD một năm cho các nước nghèo nếu như các thoả thuận đạt được.

Với 5 tỷ USD bắt đầu có được từ 2010-2012 của Nhật sẽ bổ sung vào số tiền 3,5 tỷ bảng mỗi năm do các lãnh đạo EU cam kết vào tuần trước tại hội nghị thượng đỉnh EU.

Nhật Bản cương quyết với việc cắt giảm khí thải từ các nước đang phát triển cần được ghi thành văn bản pháp lý. Trong khi đó Trung quốc, đối thủ lớn trong khu vực của Nhật, lại cực lực phản đối.

Một cam kết khác đến từ nhóm 6 nước gồm Úc, Pháp, Nhật, Na Uy, Anh và Mỹ với 3,5 tỷ USD trong vòng 3 năm tới để lại chống lại nạn phá rừng “trong khuôn khổ một kết quả đầy tham vọng và kỹ lưỡng từ Copenhagen”.

Ngày hôm qua, đã có 240 người biểu tình bị cảnh sát bắt giữ trong các cuộc đụng độ và cả 2 phía đều có những người bị thương. Mãi đến cuối buổi tối vẫn còn một nhóm biểu tình với khoảng 30 người đang chuẩn bị ở lại trung tâm suốt đêm với sự giám sát của lực lượng bảo vệ an ninh.

Trong một diễn văn tại hội nghị, Thủ tướng Ethiopia Meles Zenawi, đại diện cho Liên đoàn châu Phi, đưa ra một đề nghị: “Mỗi người chúng ta đều biết rằng hầu như châu Phi chẳng đóng góp gì vào việc làm ấm lên toàn cầu cả nhưng lại là châu lục đầu tiên bị ảnh hưởng và khó khăn nhất”. Ông Zenawi đề nghị một gói ngân sách mỗi năm 50 tỷ USD đến năm 2015 và 100 tỷ USD đến năm 2020 cho các nước nghèo thông qua các “cơ chế tài chính sáng tạo” như đánh thuế vào các giao dịch tài chính và nhiên liệu hàng không.

Trong khi đại diện EU nói về mục tiêu giảm 2 độ C “nếu mọi người sẵn sàng vượt qua những cản trở về thủ tục”, các nước đang phát triển lại nói rõ rằng họ xem sự hỗn độn của các văn bản là vấn đề thuộc về luật lệ chớ không phải là vấn đề thủ tục.

Tổng thống Nauru, Marcus Stephen yêu cầu các cuộc đàm phán cụ thể hơn về mặt pháp lý đối với mục tiêu giảm thấp nhiệt độ. Ông nói rằng các nhà khoa học cho biết cần phải giảm sự nóng lên toàn cầu dưới mức 1,5 độ C để nhằm tạo ra cơ hội tránh được các tác động xấu nhất của việc thay đổi khí hậu. Nếu chấp nhận những gì ít hơn thế có nghĩa là phá hủy hệ sinh thái, thiếu lương thực và nước uống, tái định cư cho các công đồng cư dân.

Thủ tướng Anh Gordon Brown thú nhận rằng một thỏa thuận sẽ không đạt được tại hội nghị này. Nhưng ông lại nói thêm: “Nếu chúng ta không đạt được một thỏa thuận nào trong tuần này, mọi người sẽ nghi ngờ rằng có thể chúng ta chẳng đạt được một thỏa thuận nào cả”.

Quang Hiển (Theo BBC)

;
.
.
.
.
.