.

Không để cuộc họp ở Copenhagen thất bại

.

Đó là khẩu hiệu hành động của hội nghị về biến đổi khí hậu tại Copenhagen hôm 7-12, với sự tham gia của các nhà lãnh đạo đến từ 192 nước. Trong lúc đó, hàng loạt tờ báo tại 45 nước ra hôm 7-12 cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới có hành động kiên quyết và cảnh báo, nếu hội nghị lần này thất bại sẽ gây ra nhiều “tai ương” trên toàn cầu.

Tại nhiều thành phố lớn trên thế giới, hàng chục nghìn người đã biểu tình thúc giục các nhà lãnh đạo chính trị phải có hành động đối phó với sự biến đổi khí hậu.

Theo cơ quan Năng lượng quốc tế, từ nay đến năm 2050, lượng khí thải CO2 sẽ còn tăng 130%. Với mục tiêu đề ra cho thế giới cắt giảm 50% khí thải dioxit cácbon thì lượng khí gây hiệu ứng phát thải vào bầu khí quyển vẫn còn rất cao.
 
Tại hội nghị lần này, lãnh đạo 192 quốc gia trên thế  giới sẽ tham gia thảo luận để đạt được đồng thuận thay thế Nghị định thư Kyoto sẽ hết hạn vào năm 2012. Nghị định thư Kyoto, trong đó các nước công nghiệp phát triển nhất trí cắt giảm một lượng khí gây hiệu ứng nhà kính, sẽ hết hạn vào cuối năm 2012 và một thỏa thuận mới sẽ được thảo luận tại hội nghị Copenhagen.

Trong đó có ba mục đích rõ rệt là: những nước giàu giảm khí thải, những nước đang phát triển phải trình bày rõ ràng cơ cấu phát triển của mình, và thứ ba - là điểm chính yếu và bế tắc mà các cuộc họp trước Copenhagen đã nêu ra - đó là những nước giàu phải chia sẻ gánh nặng với các nước lớn mới nổi về việc hạn chế bớt lượng khí thải của nhiên liệu hóa thạch – “thủ phạm” làm cho Trái Đất ấm dần lên. 

Các nhà khoa học cho rằng, để ngăn chặn thảm họa biến đổi khí hậu, nhiệt độ không được phép tăng hơn 2 độ C. Các nước giàu chỉ chiếm 20% dân số thế giới, nhưng thải tới 80% lượng khí thải toàn cầu. Theo Nghị định thư Kyoto, họ đã đồng ý cắt giảm lượng khí thải xuống ít nhất 5% dưới mức năm 1990 vào năm 2012. Nhưng bà Margot Wallstrom, Phó Chủ tịch của Ủy ban châu Âu, một cơ quan của Liên minh châu Âu chịu trách nhiệm đề xuất và triển khai các điều luật cho rằng, trước năm 2012, các nước phát triển phải cam kết hành động mạnh mẽ hơn nữa nhằm đạt mức 20 hoặc thậm chí 45% dưới mức của những năm 90. 

Vấn đề then chốt của hội nghị này là các nước đang phát triển đề nghị các nước phát triển, vốn là nhân tố lịch sử gây ô nhiễm môi trường, giúp họ đối phó với những tác động của sự nóng lên toàn cầu. Mặc dù EU đã ấn định khoản đóng góp tài chính là 100 tỷ euro mỗi năm để giúp đỡ các nước nghèo nhất trong giai đoạn 2013-2020, nhưng cho đến nay, không một quốc gia giàu có nào chịu bỏ tiền ra. 

Ngay trước hội nghị, một giới chức hàng đầu của Liên Hợp Quốc đã kêu gọi một khoản hỗ trợ nhanh chóng trị giá 30 tỷ USD nhằm giúp các nước nghèo tăng cường nỗ lực kiểm soát lượng khí thải CO2. Nhưng sự thật là các cuộc đàm phán trước đó không đạt được một thỏa hiệp quanh chuyện các nước giàu nên hỗ trợ các nước nghèo bao nhiêu để phát triển các ngành công nghiệp sạch. Trung Quốc và Ấn Độ đều đã bắt đầu thảo luận một cách nghiêm túc về các cam kết quốc gia, nhưng họ chưa sẵn sàng cam kết tuân thủ các mục tiêu quốc tế. 

Cho đến nay, các nước giàu nói chung đã chấp nhận cam kết từ nay đến năm 2020 giảm từ 11% đến 15% lượng khí thải khí nhà kính của họ so với mức của năm 1990. Liên minh châu Âu tiến bộ hơn, hứa sẽ đơn phương giảm 20% lượng khí thải trong khu vực, thậm chí giảm 30% nếu những nước khác làm theo gương của họ… Tuy nhiên, lời hứa vẫn chỉ là lời hứa. Để lời hứa trở thành hiện thực, cần phải chờ xem thái độ của các nước tham dự hội nghị, cũng như hành động của họ sau sự kiện quan trọng này.

Những cam kết đưa ra trước hội nghị

- ASEAN nhất trí mục tiêu hạn chế nhiệt độ trái đất nóng lên không quá 2 độ C.

- EU cam kết đóng vai trò chính tại hội nghị, cam kết cắt giảm 20% và hơn nữa nếu các quốc gia khác đạt được sự đồng thuận. 

- Mỹ cam kết cắt giảm 17% lượng khí thải vào năm 2020. Tuy thấp hơn so với lời kêu gọi giảm 20% của Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và các nhà khoa học LHQ, song đây là con số cam kết đầu tiên được nền kinh tế lớn nhất thế giới đưa ra.

- Trung Quốc đã công bố mục tiêu vào năm 2020, sẽ cắt giảm từ 40% đến 45% lượng khí thải trên một đơn vị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) so với năm 2005.
- Ấn Độ cam kết cắt giảm từ 20-25% lượng khí thải vào năm 2020 so với mức của năm 2005.

- Nga cam kết giảm 25% lượng khí thải so với mức của năm 1990 vào năm 2020. 

GIA HUY

;
.
.
.
.
.